vaodoc.com




In bài này

[21-05-2011]


Vì sao FPT phải tái cấu trúc?
Sau một thời gian bung ra quá nhanh, giờ đây FPT - doanh nghiệp được xem là đứng đầu trong lĩnh vực CNTT ở Việt Nam - đang phải xem xét lại toàn bộ chiến lược phát triển của mình.
Thay đổi Tổng giám đốc. Từ bỏ thương vụ mua cổ phần của EVN Telecom. Tiến hành một loạt thay đổi nhân sự cấp cao. Những chính sách mới được hoạch định và thông qua. Tất cả những câu chuyện này tại FPT đều hướng đến một mục tiêu: tái cấu trúc.

Vì sao phải thay đổi?

Có thể khẳng định rằng, FPT đã rất thành công trong việc xây dựng hình ảnh cũng như phát triển kinh doanh kể từ khi ra đời vào năm 1988. Có thời điểm, thương hiệu FPT thậm chí gần như là “thương hiệu quốc gia” về lĩnh vực CNTT khi đi ra thế giới. Cách đây khoảng 10 năm, nói về máy tính, nói đến CNTT tức là nói đến FPT. Trong một lần trò chuyện với cánh báo giới, ông Hoàng Minh Châu, Phó Chủ tịch HĐQT FPT tự tin khẳng định: không chỉ là doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam về CNTT mà sức mạnh cũng như tiềm lực của FPT bằng khoảng 10 doanh nghiệp CNTT ngay phía sau FPT cộng lại!

Vậy tại sao giờ đây FPT phải thực hiện tái cấu trúc, xác định lại chiến lược kinh doanh một cách rất căn bản như vậy?

Trong diễn văn nhận chức Tổng Giám đốc FPT ngày 25/3 năm nay, ông Trương Đình Anh cho rằng, trong 4 năm qua, cuộc khủng hoảng tài chính trên quy mô toàn cầu đã làm cho nhiều ngành nghề, nhiều công ty bị đình đốn, phải thu hẹp hoạt động, bị phá sản. Đối với FPT, nhiều hoạt động kinh doanh cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi vấn đề tỷ giá, bởi thị trường, bởi các nhà cung cấp và nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác. Bên cạnh đó, việc FPT niêm yết thành công trên sàn chứng khoán vào cuối năm 2006 đã đem lại thành công tài chính cho nhiều cá nhân thuộc FPT, nhưng cũng dẫn tới nhiều hệ lụy. Các cán bộ điều hành của FPT đã giàu lên nhanh chóng, đã trở thành những tỷ phú. Khi đó, những đồng lương, thưởng trước đây hấp dẫn thì nay chỉ còn là một con số nhỏ nhoi trong bảng tổng tài sản cá nhân… “Tinh thần chiến đấu của nhiều người FPT đã bị giảm sút. Chúng ta đã không kịp thời nâng cao được mục tiêu phát triển của tổ chức, khát vọng của toàn thể đội ngũ (…) không mạnh dạn đầu tư vào những hướng kinh doanh mới, không quyết tâm mở rộng thị trường, không tin vào việc có thể làm giàu bằng công nghệ, không gắng sức vượt lên trên những khó khăn để giành lấy cơ hội. Chúng ta tụt hậu trong nhiều lĩnh vực công nghệ mới. Trong 5 năm qua, chỉ số tăng trưởng của FPT đã rơi xuống dưới 20%/năm, trong nhiều trường hợp, sự tăng trưởng của chúng ta có được là do lạm phát và tỷ giá...”, ông Trương Đình Anh phân tích về sự trì trệ của FPT trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế, những yếu tố trên chỉ mới là phần nổi. Phần chìm của việc tái cấu trúc FPT là do trong khoảng 5 năm qua, doanh nghiệp này “bung ra” hoạt động kinh doanh trên quá nhiều lĩnh vực, khiến cho “hạt nhân tinh thần” của doanh nghiệp này là CNTT và viễn thông bị lu mờ và thu hẹp dần. Không thể phủ nhận, máy tính Elead do FPT lắp ráp vẫn còn thị phần, tuy nhỏ. Việc triển khai công nghệ, làm dịch vụ công nghệ, cũng như phát triển và gia công phần mềm của FPT vẫn đang tiếp tục có lợi nhuận. Nhưng nhìn chung, trong những năm qua các ngành kinh doanh đó không còn đình đám, chủ lực như trước đây nữa!

Không phải ngẫu nhiên mà cuối năm 2010, trong số 178 doanh nghiệp đang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, FPT được xếp vào nhóm “bán buôn máy móc và thiết bị phụ tùng”. Lý do mà Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa ra là vì gần 70% doanh thu của FPT là từ việc bán lẻ, phân phối thiết bị điện tử, điện thoại, máy tính... (13.339 tỷ đồng trong tổng số 20.156 tỷ đồng năm 2010). Dẫu còn có những tranh luận xung quanh việc xếp loại này, nhưng nó cho thấy một thực tế: FPT đang đánh mất dần hình ảnh của một “tập đoàn CNTT” mà mình đã dày công xây dựng.

Tham vọng mới

Nói về việc thay đổi Tổng Giám đốc cũng như quá trình tái cơ cấu của FPT, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết, trong năm 2010, FPT đã hoạch định chiến lược phát triển mới với những tham vọng lớn, như lọt vào danh sách Top 500 doanh nghiệp hàng đầu trong Forbes Global 2000 do Tạp chí Forbes bình chọn. Cụ thể, năm 2011 là năm đầu tiên FPT thực hiện kế hoạch dài hơi với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 4 lần trong 4 năm (2011-2014). Đầu năm 2011, HĐQT FPT cũng đã phê duyệt chiến lược phát triển từ nay tới 2024, chia làm 3 giai đoạn, nhằm định vị FPT trên thị trường.

Trong 5 năm qua, chỉ số tăng trưởng của FPT đã rơi xuống dưới 20%/năm, trong nhiều trường hợp, sự tăng trưởng này có được là do lạm phát và tỷ giá

 

FPT từng chủ trương phát triển theo mô hình tập đoàn kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Nhưng những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng, có thể nhận thấy sức mạnh cốt lõi của FPT vẫn là ở lĩnh vực công nghệ - thông tin - viễn thông. FPT phải tập trung vào định hướng nêu trên với một loạt mũi nhọn như cung cấp dịch vụ viễn thông, tham gia mạnh mẽ trong công nghiệp sản xuất phần mềm, tích hợp hệ thống, phát triển nội dung số, mạng xã hội và các dịch vụ trên mạng.

 

Cùng với đề án tái cơ cấu được Đại hội cổ đông FPT thông qua hồi đầu tháng 4 vừa qua, FPT sẽ thực hiện việc phát hành một lượng cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu tại các đơn vị thành viên do các cổ đông thiểu số nắm giữ. Sau khi thực hiện việc hoán đổi, các công ty con như Công ty cổ phần FPT phần mềm (FPT Sofware), Công ty cổ Phần FPT Hệ thống thông tin (FPT IS), Công ty cổ phần FPT Thương mại (FPT Trading) sẽ chuyển thành công ty TNHH một thành viên do FPT sở hữu 100% vốn. Tổng Giám đốc FPT Trương Đình Anh cho biết: “FPT tái định hướng lại hoạt động của mình nhằm vào lĩnh vực cốt lõi là công nghệ - thông tin - viễn thông. Các hướng kinh doanh này có tính tương đồng, bổ trợ lẫn nhau. Việc FPT hợp nhất các công ty thành viên trong lĩnh vực cốt lõi tạo điều kiện cho việc tăng cường hợp lực, tận dụng hết các nguồn tài nguyên cho sự phát triển, đồng thời cắt giảm các chi phí quản lý. Chúng tôi kỳ vọng chiến lược này sẽ tạo ra bước đột phá mới cho FPT”.

Cũng theo ông Trương Đình Anh, thách thức lớn nhất của FPT hiện nay nằm ở chính quy mô phát triển của doanh nghiệp này. FPT đang phát triển ở nhiều lĩnh vực, với hơn 12.000 nhân viên. Vì thế, làm sao để tất cả mọi nhân viên FPT có chung lợi ích, chung mục tiêu, chia sẻ những khát vọng phát triển của công ty; làm sao để sự năng động, sáng tạo được vun vén, thúc đẩy ở mỗi đơn vị trong tập đoàn? Khái niệm “OneFPT - Tập đoàn toàn cầu hàng đầu Việt Nam” được đưa ra ngay cùng việc thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp này. Theo đó, FPT sẽ nhanh chóng tập trung hóa để lợi ích của toàn tập đoàn không bị chia rẽ bởi những đường “biên giới cứng”, hay lợi ích cục bộ như đã có. “Trước đây FPT định hướng phát triển thành tập đoàn kinh tế đa ngành, đa sở hữu, tạo ra nhiều công ty cổ phần. Nhưng đến một lúc nào đó, các công ty cổ phần đó mâu thuẫn lợi ích với nhau và làm mất đi nhiều cơ hội kinh doanh của FPT. Vì vậy, việc đầu tiên của OneFPT là phải hợp nhất FPT thành một thể thống nhất. Chúng tôi kỳ vọng trong vòng 6 tháng tới có thể đạt được những bước đầu tiên trong tiến trình OneFPT”, ông Trương Đình Anh cho biết.
 

Ba hướng phát triển ưu tiên của FPT giai đoạn 2011-2014

1. Các dự án lớn theo mô hình hợp tác công tư (Public Private Partnership): Phấn đấu trở thành đối tác phát triển hạ tầng CNTT số 1, tham gia đầu tư vào các công trình dịch vụ công cộng trong các ngành kinh tế trọng điểm của nhà nước; nhằm góp phần giảm áp lực chi ngân sách nhà nước; tăng nhanh tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và tăng trưởng vượt bậc về doanh thu;

2. Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất và cung cấp các sản phẩm công nghệ ''Made by FPT''. Trong đó, xác định phát triển phần mềm hiện đại, kho ứng dụng phong phú và tiện ích, các dịch vụ gia tăng trên thiết bị di động thông minh là nhiệm vụ then chốt, tạo sự khác biệt cho sản phẩm, hướng tới chiếm lĩnh thị trường mục tiêu;

3. Tiến vào thị trường viễn thông băng rộng không dây, tận dụng cơ hội mua bán sáp nhập (M&A) và tập trung nguồn lực tối đa để tham gia thị trường cung cấp dịch vụ thoại trên nền tảng công nghệ băng rộng không dây, đưa các ứng dụng tiện ích vào mạng lưới thiết bị hiện đại phủ trên diện rộng.

(Trích: Thông điệp của Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đầu năm 2011)

 

 
Trần Bình

Copyright 2024 - WWW.PMV.VN - Thuộc PMV Corp, Toà Nhà SBI, Công Viên PM Quang Trung, Quận 12, TP.HCM.
Website thông tin dịch vụ trực tuyến -