vaodoc.com




In bài này

[16-06-2011]


Còn nhiều cơ hội làm ăn ở Campuchia
Từ năm 2011, Liên minh châu Âu miễn thuế nhập khẩu cho khoảng 75% hàng hóa của Campuchia vào thị trường này. Đây là thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào Campuchia.

Theo Hội đồng Phát triển Campuchia, tính đến hết năm 2010, Việt Nam đã có 41 dự án đầu tư trực tiếp vào Campuchia với tổng vốn đầu tư 566 triệu USD, đứng hàng thứ chín trong số các nhà đầu tư vào Campuchia.

Viễn thông và ngân hàng đang đà thắng

Từ lâu, thị trường Campuchia đã là thị trường quen thuộc với các doanh nghiệp như cao su, hàng không, viễn thông, may mặc, du lịch, vật liệu xây dựng, khai khoáng…

Danh sách các công ty đang có mặt hoặc đang xúc tiến làm ăn tại Campuchia ngày càng nhiều lên: mạng di động 2G, 3G của Viettel tổng dự án hơn 200 triệu USD; dự án bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh 20 triệu USD; dự án nhà máy đường - điện ethanol 75 triệu USD của nhóm doanh nghiệp VinaCapital hợp tác với Ấn Độ và Singapore; dự án nhà máy phân bón Năm Sao 52 triệu USD; các dự án cao su (bình quân một dự án 10.000ha đầu tư khoảng 35-40 triệu USD sau 6 năm sẽ khai thác được)...

Ở lĩnh vực ngân hàng, nhiều ngân hàng Việt Nam cũng hái được quả ngọt và đang tìm cách mở rộng tại Campuchia. Ông Nguyễn Văn Hiển, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) cho biết, BIDC chính thức hoạt động từ 1/9/2009, hiện là ngân hàng lớn đứng thứ năm tại Campuchia và đang phấn đấu năm 2012 đứng hàng thứ hai, năm 2014 vươn lên đứng đầu hệ thống các ngân hàng tại Campuchia. Để có được thành quả đó, BIDC đã có chiến lược thâm nhập nhanh, phát triển mạnh ở hai chi nhánh tại Phnom Penh và Siêm Riệp và cuối năm nay sẽ khai trương chi nhánh Battambang - nơi được xem là vựa lúa Campuchia - phục vụ thu mua chế biến xuất khẩu lúa gạo về Việt Nam. Xác định đầu tư lâu dài ở Campuchia nên BIDC đã đầu tư hệ thống core banking giúp cho việc thanh toán dễ dàng với chi phí thấp hơn.

Tương tự, chi nhánh ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank Phnom Penh) hoạt động từ tháng 6/2009 hiện đã có số dư huy động 30 triệu USD, cho vay 60 triệu USD. Mới ba tháng đầu năm, Sacombank Phnom Penh đã đạt 50% kế hoạch năm 2011. Dự kiến, tháng 5/2011, Sacombank Phnom Penh sẽ chuyển thành ngân hàng 100% vốn của Sacombank (xây trụ sở 22 tầng trên đường Monivong), khi đó việc mở chi nhánh ở các tỉnh tại Campuchia sẽ thuận lợi hơn. Hiện Sacombank cũng đã có công ty chứng khoán Sacombank và công ty vàng bạc đá quý Sacombank tại Phnom Penh.

Vào Cam làm nông

Thời gian qua, làm nông nghiệp tại Campuchia thu hút mối quan tâm lớn của nhiều doanh nghiệp, bởi Campuchia có những điều kiện khá tương đồng với Việt Nam. Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc nhà máy đường Cần Thơ (Casuco), vừa trở về từ chuyến khảo sát vùng trồng mía, chuẩn bị cho dự án đầu tư quy mô lớn tại Campuchia cho biết, Casuco đã đạt được thỏa thuận với chính quyền tỉnh Campot thuê 10.000 ha đất trồng mía. Ngay trong năm 2011 này, Casuco sẽ đưa giống, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Nếu kết quả khảo nghiệm tốt, qua năm sau sẽ đẩy mạnh quy mô diện tích lên 10.000 ha. Thổ nhưỡng Campot khá giống với vùng trồng mía ở miền Tây nên ông Long tin rằng dự án sẽ thành công. Những năm đầu vùng nguyên liệu mía đầu tư ở Campuchia sẽ cung cấp cho nhà máy đường Kiên Giang, sau đó, nếu tình hình khả quan, công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy ngay tại Campuchia.

Đối với các dự án của Tập đoàn cao su Việt Nam (Gruco), ông Phạm Văn Thành, Trưởng ban Kế hoạch và đầu tư cho biết, từ năm 2007, Gruco lập dự án thuê 100.000 ha đất trồng cao su ở một số tỉnh giáp ranh với vùng Tây Nguyên với giá thuê 9 USD/ha/năm kể từ lúc khai thác; thời gian thuê là 50 năm. Sau hơn bốn năm triển khai, tập đoàn này chi khoảng 1.500 tỷ đồng đầu tư cây giống, kỹ thuật, cải tạo đất đai, đường, điện và các công trình phúc lợi, kết quả đã trồng gần 30.000 ha. Ông Thành đánh giá, chi phí đầu tư tuy có cao hơn so với ở Việt Nam, nhưng bù lại giá thuê nhân công chỉ dao động khoảng 80-100 USD/tháng nên xét trong dài hạn thì hiệu quả sẽ cao hơn. Dự kiến năm 2013, các vườn cây sẽ cho khai thác, năm sau Gruco sẽ xây dựng nhà máy để chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu sản phẩm...

 

 

Chính phủ Campuchia tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, kể cả cho vay vốn với lãi suất ưu đãi

 

Trong khi đó, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) kể từ khi đặt văn phòng đại diện tại Phnom Penh hồi tháng 5 năm ngoái, đã tổ chức những cánh ruộng mẫu tại các tỉnh Battambang, Kompong Chhnang và Takeo. Với việc hướng dẫn phương pháp canh tác và bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách khoa học và hiệu quả, các cánh ruộng mẫu đã cho sản lượng cao gấp hai đến ba lần so với lối canh tác thông thường. Trong năm nay, PVFCCo sẽ tiếp tục nhân rộng chương trình chuyển giao kỹ thuật tại các tỉnh Kompong Cham, Kompong Thom và Kandal.

 

Theo ông Vũ Thịnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Campuchia, nông nghiệp đang được Campuchia khuyến khích đầu tư. Chính phủ Campuchia cho phép các nhà đầu tư được sử dụng đất dưới hình thức tô nhượng, được phép thuê dài hạn và tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, kể cả cho vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Cùng với sự đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam, Chính phủ Campuchia cũng tạo điều kiện cho người lao động sang làm việc tại đất nước này. Từ năm 2011 trở đi, lao động xin visa dài hạn làm việc tại các dự án đầu tư trong bốn tỉnh Rattanakiri, Mondolkiri, Preyveng, Kratie của Campuchia sẽ được cấp visa nhiều lần miễn phí trong một năm. Ở các tỉnh khác, mức lệ phí visa là 84 USD/người/năm so với mức 280USD/người/năm như trước đây. Chính phủ Campuchia cũng cho biết sẽ tạo điều kiện cho các công ty có dự án trồng cao su, cây công nghiệp được tăng số lượng lao động mùa vụ cao điểm lên đến 30% (hiện là 10%).

Phải biết tận dụng lợi thế

 

 

566 triệu USD là tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp VN vào Campuchia, tính đến hết năm 2010

 

Dù nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm hơn đến thị trường Campuchia nhưng tiến độ đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Campuchia vẫn còn chậm so với nhà đầu tư của các quốc gia khác. Theo nhận định của BIDC, việc đầu tư vào Campuchia sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong tương lai vì Chính phủ Campuchia cam kết đổi mới chính sách kinh tế, lành mạnh hóa và minh bạch tài chính của các doanh nghiệp qua việc khai trương thị trường chứng khoán (dự kiến vào tháng 7/2011). Đồng thời, sự thay đổi tập quán tiêu dùng của người dân Campuchia hướng đến hàng hóa chất lượng cao và tâm lý ưa thích hàng Việt Nam cũng thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng.

 

Về giao thông, cuối năm 2012 cầu Neak Leoung sẽ thông xe, không còn cảnh từ Mộc Bài sang Phnom Penh phải qua phà, tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp Việt Nam sang kinh doanh và đầu tư.

Đặc biệt, từ năm 2011, Liên minh châu Âu miễn thuế nhập khẩu cho khoảng 75% hàng hóa của Campuchia vào thị trường này. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tính toán đầu tư sản xuất tại Campuchia để hưởng ưu đãi thuế, chú trọng đầu tư vào các khu kinh tế đặc biệt để được miễn thuế lợi tức 6-9 năm.

Ông Nguyễn Văn Hiển khẳng định, Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam tại Campuchia (hiện có 200 thành viên) luôn hết lòng hỗ trợ doanh nghiệp mới sang đầu tư. Riêng BIDC dành ưu đãi đặc biệt cho các hội viên khi đầu tư vào Campuchia: giảm lãi suất khoảng 10-15% so mặt bằng lãi suất hiện hành, phí dịch vụ giảm 50% so với mặt bằng chung. “Doanh nghiệp đầu tư sản xuất hay kinh doanh tại Campuchia nên liên hệ và tham gia vào Hiệp hội để tạo sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, nâng cao uy tín quốc gia thì đầu tư sẽ hiệu quả hơn”, ông Hiển khuyến nghị.


Copyright 2024 - WWW.PMV.VN - Thuộc PMV Corp, Toà Nhà SBI, Công Viên PM Quang Trung, Quận 12, TP.HCM.
Website thông tin dịch vụ trực tuyến -