thegioiceo.com
Online 206 | Đăng nhập
Khủng hoảng nợ gây bất ổn tại châu Âu
10-05-2010  2497
Hy Lạp đã bị đẩy tới miệng vực tài chính và bắt đầu kéo theo một nước châu Âu khác Bồ Đào Nha khiến cho nỗi sợ hãi về khủng hoảng nợ nần lan nhanh khắp châu Âu.
Bóng ma phá sản

Hôm thứ Ba 27/4, thị trường chứng khoán khắp thế giới chao đảo sau khi tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Standard & Poor’s (S&P) hạ mức tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ của Hy Lạp xuống mức “rác” (junk) và giảm hai bậc đối với trái phiếu chính phủ Bồ Đào Nha – một điều chưa từng thấy ở các nền kinh tế phát triển. Sự hạ bậc tín nhiệm này làm cho chính phủ Hy Lạp và Bồ Đào Nha không thể vay mượn tiền trên thị trường tài chính, hoặc phải chịu lãi suất cao và phải cơ cấu lại các món nợ hiện hữu.

Các quốc gia trên khắp thế giới đều phát hành trái phiếu lấy tiền trang trải các hoạt động như phúc lợi xã hội, trả lương công chức rồi sau sẽ thanh toán bằng ngân sách. Ở các nước phát triển, mua trái phiếu được coi là cách đầu tư tương đối an toàn vì các chính phủ có thể tăng thuế để trả nợ khi đáo hạn. Nhưng do suy thoái kinh tế, nguồn thu ngân sách của các chính phủ bị giảm mạnh; việc tăng thuế cũng không dễ dàng vì thuế cao làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế. Thêm vào đó, suy thoái buộc các chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn vào các gói kích cầu, đầu tư cơ sở hạ tầng, trợ cấp thất nghiệp v.v… khiến thâm hụt ngân sách càng lớn thêm lên và một số quốc gia mất khả năng thanh toán nợ đáo hạn, khủng hoảng nợ nần bắt đầu từ đó.

Hy Lạp đang vật vã với số nợ khổng lồ lên tới 300 tỉ euro, tương đương 124% GDP. Do triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu ớt, nước này có thể rơi vào tình trạng phá sản và không trả nổi tiền nợ. 15 quốc gia khác trong khối đồng tiền chung Âu châu (eurozone) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cố gắng trấn an thị trường bằng cam kết cho Hy Lạp vay 45 tỉ euro, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. S&P hôm thứ Ba cảnh báo rằng, những người nắm giữ trái phiếu do chính phủ Hy Lạp phát hành có thể sẽ bị mất tới 50% số tiền. Và điều đáng lo hơn nữa là vụ khủng hoảng nợ của Hy Lạp đang lây lan nhanh sang các nước thành viên eurozone khác, cũng đang ngập trong nợ công; những nền kinh tế yếu kém có thể sẽ bị cuốn theo, kể cả nền kinh tế lớn thứ 5 của châu Âu là Tây Ban Nha. Italia chẳng hạn, có khối nợ công lớn hơn 5 lần so với Hy Lạp, cũng là một “ứng viên” của cuộc khủng hoảng này.

Giáo sư Philip Lane, khoa tài chính quốc tế Đại học Trinity College ở Ireland so sánh cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và Bồ Đào Nha hiện nay với sự sụp đổ của các ngân hàng Bear Stearns và Lehman Brothers ở Mỹ năm 2008 - sự kiện mở màn cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu nghiêm trọng nhất từ sau cuộc Đại Suy thoái 1930.

Châu Âu chia rẽ

Khủng hoảng nợ đang xói mòn giá trị của đồng euro; hôm thứ Ba giá của đồng tiền này giảm thêm 1%, 1 euro chỉ còn ăn được 1,32 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009. Từ tháng 12 năm ngoái đến nay, đồng euro đã giảm giá 13% so với đô la Mỹ.

Ở mức độ nào đó, sự bất lực của châu Âu trong việc xử lý khủng hoảng nợ của Hy Lạp càng khiến cho thị trường thêm bất an và bộc lộ sự chia rẽ chính trị sâu sắc ở châu lục này. Do bất đồng quan điểm giữa các thành viên eurozone, gói giải cứu tài chính cam kết dành cho Hy Lạp vừa ít, vừa quá trễ.

Thêm vào đó, chính phủ Đức luôn chống lại kế hoạch “cứu trợ” Hy Lạp trừ khi nước này đáp ứng những điều kiện khá khắc nghiệt. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhiều lần nhắc lại lập trường của mình rằng, Hy Lạp phải hoàn tất những cuộc thương lượng hiện hành với IMF và Liên hiệp châu Âu về những biện pháp thắt lưng buộc bụng trong những năm tới trước khi được nhận những gói tín dụng quốc tế. Theo hãng tin Đức DAPD, nói chuyện tại một buổi vận động tranh cử tối thứ Ba vừa qua, bà Merkel cho rằng, cần phải nói với người Hy Lạp: “Các bạn phải tiết kiệm, các bạn phải công bằng, các bạn phải thành thật, vì nếu không sẽ không ai giúp các bạn”. Sự miễn cưỡng của Đức là dễ hiểu, bởi với tư cách nền kinh tế lớn nhất khối eurozone mà cũng là nền kinh tế vững mạnh nhất, từ trước đến nay Đức luôn phải dùng tiền đóng thuế của người dân để tài trợ tín dụng cho các lân bang nghèo hơn và cũng chi tiêu phóng túng hơn. Hơn thế nữa, lần này số tiền phải bỏ ra để “cứu nguy” các nền kinh tế châu Âu xem ra rất lớn. Theo tính toán của chuyên gia Piero Ghezzi thuộc công ty tài chính Barclays Capital, Hy Lạp cần ít nhất 90 tỉ euro, Bồ Đào Nha cần 40 tỉ và Tây Ban Nha cần tới 350 tỉ euro. Còn theo các chuyên gia của Ngân hàng Goldman Sachs, chỉ riêng Hy Lạp đã cần tới 150 tỉ euro trong vòng 3 năm tới. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Ngân hàng Morgan Stanley đang “đồn” rằng, Đức có thể rút ra khỏi khối eurozone để tránh khả năng phải dốc ngân sách ra những khoản tiền lớn như vậy - một hành động đang bị dư luận trong nước chống đối dữ dội. Cũng đã có những nhận định rằng, cuộc khủng hoảng nợ này có khả năng làm tan rã khối eurozone và các nước thành viên sẽ quay trở về với nền tài chính riêng biệt, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, đặt quyền lợi của quốc gia mình lên trên hết.


Nguồn: Ủy ban châu Âu EC và báo The Economist - (*) Dự báo của báo The Economist

Hôm thứ Ba, một phó chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu nói rằng, khu vực eurozone đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi thông qua Hiệp ước Maastricht năm 1997. Những biện pháp thắt lưng buộc bụng ở Hy Lạp và Bồ Đào Nha đã bắt đầu gây ra những bất ổn xã hội. Hôm thứ Ba ngày 27/4, công nhân ngành giao thông vận tải, giáo viên ở cả hai nước này đã tiến hành những cuộc biểu tình rầm rộ, giương các biểu ngữ “Không được đụng đến tiền lương của chúng tôi”, “Tẩy chay IMF”… buộc các nhà ga xe lửa và nhiều trường học phải đóng cửa. Biểu tình và tuần hành dự kiến sẽ lan rộng trong tuần này khi hai nghiệp đoàn lớn nhất Hy Lạp, đại diện cho khoảng 2,5 triệu người lao động, có kế hoạch biểu dương lực lượng chống lại chính sách cắt giảm tiền lương.

Tương lai mù mịt

Nhiều nhà đầu tư tin rằng Hy Lạp có đủ tiền để chi tiêu trong vài tuần, tới nhưng tương lai thì khá mù mịt. Cả S&P và Bộ Tài chính Hy Lạp đều nhấn mạnh rằng, chính phủ nước này có đủ tiền để thanh toán khoản trái phiếu trị giá 8,5 tỉ euro đáo hạn vào ngày 19/5 sắp tới. IMF cũng hứa sẽ giải ngân cho Hy Lạp trước ngày 19/5 để giúp nước này khỏi tuyên bố phá sản.

 

 

300 tỷ euro là số nợ mà Hy Lạp hiện đang phải gánh

Ngay cả như vậy, người dân Hy Lạp cũng phải đối diện với nhiều năm tháng khổ hạnh, mức sống sẽ suy giảm trầm trọng. S&P cảnh báo rằng phải mất một thập niên nữa kinh tế Hy Lạp mới khôi phục được quy mô của năm 2008.

 

Có một vòng lẩn quẩn nguy hiểm: các nền kinh tế khủng hoảng nợ bị buộc phải cắt giảm chi tiêu, càng giảm chi tiêu càng ít tạo ra doanh thu và như thế khả năng trả nợ càng bị giảm sút. Là thành viên khối eurozone, các nước này không có khả năng in thêm tiền để kích thích tăng trưởng và thúc đẩy xuất khẩu, do đó nợ nần càng tăng và nguy cơ phá sản càng lớn.

Cả hai chính phủ Bồ Đào Nha và Hy Lạp đều đã thực thi một chương trình cải cách kinh tế khắc khổ với các biện pháp như tăng thuế, giảm lương công chức, giảm chi tiêu ngân sách và tư nhân hóa các công ty quốc doanh trong các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, và dịch vụ công ích. Theo giới quan sát, trong các cuộc thương lượng với Hy Lạp, các nước eurozone và IMF đều nhấn mạnh tới các biện pháp quyết liệt hơn như tinh giản biên chế đội ngũ công chức, áp thuế thu nhập lên đội ngũ y, bác sĩ v.v… Ngay từ đầu, chương trình cải cách này đã bị người dân và các nghiệp đoàn trong nước phản đối mạnh mẽ, do vậy giới đầu tư tỏ vẻ hoài nghi khả năng của các chính phủ trong việc cải cách mạnh mẽ hơn để lập lại trật tự trong lĩnh vực tài chính.

Bài học nào từ Hy Lạp?

Cuộc khủng hoảng đang cho thấy rõ sự bất lực của khu vực đồng euro trong việc kiềm chế các chính phủ, không để cho họ rơi vào nợ nần và thâm hụt ngân sách. Ngay từ đầu, khu vực eurozone đã đặt ra luật hạn chế thâm hụt ngân sách của các nước thành viên ở mức dưới 3% GDP, nhưng luật này hầu như không được tuân thủ.  Trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, lãi suất thấp và chi phí vốn rẻ đã kích thích nhiều chính phủ hào hứng phát hành trái phiếu, huy động vốn đầu tư vào các dự án không có hiệu quả hoặc chỉ để đánh bóng hình ảnh - Thế vận hội Olympic 2004 chẳng hạn đã để lại cho Hy Lạp một khoản nợ khổng lồ - dẫn đến tình trạng nợ công tăng vọt. Khủng hoảng và suy thoái kinh tế làm họ mất khả năng thanh toán. Cũng như một gia đình, chi tiêu nhiều hơn khả năng làm ra bao giờ cũng tiềm ẩn những tai họa mà khi tỉnh ngộ thì đã muộn.

Mất bò mới lo dựng chuồng, bây giờ các quan chức EU mới bàn thảo các biện pháp tăng cường điều luật này, song xem ra đã không còn kịp nữa. Ép buộc Hy Lạp và Bồ Đào Nha phải thực thi những biện pháp cải cách khắc kỷ - như đòi hỏi của Đức - xem ra cũng là điều thiếu thực tế. Kevin Giddis, chủ tịch bộ phận thị trường tài chính thu nhập cố định của tập đoàn Morgan Keegan nhận xét: “Chính phủ Đức và EU bỏ qua một điều rằng, ngôi nhà Hy Lạp đã cháy rồi. Đã quá trễ để lắp vào đó một cái chuông báo khói khi ngôi nhà đang cháy”.

 

 

Thị trường chứng khoán tụt dốc thê thảm

Thị trường đã phản ứng nhanh và quyết liệt trước nguy cơ khủng hoảng nợ ở châu Âu. Hôm thứ Ba 27/4, các chỉ số chứng khoán chính khắp thế giới giảm mạnh. Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 200 điểm, tức 1,9%, còn 10.991 đểm; chỉ số Standard & Poor's 500 giảm 2,3% còn 1.183 điểm. Tại châu Âu chỉ số chứng khoán FTSE 100 của Anh giảm 2,6%, DAX của Đức giảm 2,7% và CAC-40 của Pháp giảm 3,8%. Cơn sốt bán tháo cổ phiếu lan sang cả châu Á khi chỉ số Nikkei của Nhật giảm hơn 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư 28/4.

Các chỉ số chứng khoán của Hy Lạp và Bồ Đào Nha giảm lần lượt 6,7% và 5,4% trong khi chi phí vay vốn trên thị trường của các nước này tăng vọt. Lãi suất trái phiếu hai năm do Chính phủ Hy Lạp phát hành đã lên đến mức kỷ lục 15,4% vào hôm thứ Ba 27/4 dù hôm trước đó còn ở mức 13,2% và ở mức 5,1% hồi đầu tháng 4/2010.

Chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu chính phủ Bồ Đào Nha và trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm đã doãng ra thêm nửa điểm phần trăm vào hôm qua; hiện thời mức lãi suất trái phiếu chính phủ Bồ Đào Nha cao hơn trái phiếu Đức 5,86 điểm phần trăm - là mức chênh lệch lớn nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào lưu thông hơn một thập niên về trước.

Thái Bình


Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus