thegioiceo.com
Online 78 | Đăng nhập
Quy định hiện hành chưa có bộ tiêu chí để xác định hàng hóa được ghi nhãn Made in Vietnam
04-07-2019  1458
Việc áp dụng bắt buộc ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đối với một số mặt hàng cụ thể nhằm bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, bảo hộ ngành sản xuất và xây dựng thương hiệu như thực phẩm, dệt may, giày dép, ...

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.

Do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, khái niệm “hàng hóa Việt Nam” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: (a) hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế hoặc (b) hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam hoặc (c) hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam. Các khái niệm này tuy khác nhau nhưng thường bị nhầm lẫn.

Về cách ghi nhãn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 về nhãn hàng hóa. Nghị định dẫn trên quy định về cách ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu nhưng chưa quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.

Về chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm, các quy định được đề cập tại Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp và các Thông tư liên quan. Theo quy định tại các văn bản nêu trên, một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm nếu sản phẩm đó có nguồn gốc địa lý, danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu của vùng lãnh thổ tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó. Đây là quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với một sản phẩm cụ thể từ một vùng lãnh thổ xác định, không quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nói chung.

Về thương hiệu hàng Việt Nam, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 984/QĐ-BCT ngày 06 tháng 3 năm 2012 kèm theo quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia. Quyết định số 984/QĐ-BCT nêu trên có tiêu chí để hàng hóa được gắn mác “Viet Nam Value” (Giá trị Việt Nam) nhằm quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

Với sự ra đời của Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa (thay thế Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2006 trước kia), Việt Nam đã có hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa. Quy định hiện hành là căn cứ để xác định “hàng hóa có xuất xứ Việt Nam”, được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi thuế quan hoặc phi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường mà Việt Nam có cam kết quốc tế. Trên cơ sở cam kết quốc tế và Luật Quản lý ngoại thương, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP nêu trên với phạm vi điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, không điều chỉnh về ghi nhãn xuất xứ hàng hóa.

Xuất phát từ thực tiễn trong nước và thế giới nêu trên, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng. Qua trao đổi giữa Bộ Công Thương với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số Hiệp hội ngành hàng, trước mắt, việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai. Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.

Phương pháp xác định xuất xứ hàng hóa

Phương pháp phổ biến nhất là xác định hàm lượng giá trị khu vực (RVC) trong sản phẩm, nói nôm na là xác định xem giá trị được tạo ra tại khu vực có liên quan là bao nhiêu. Nếu khu vực là một nước, thí dụ VN, thì xem phần giá trị được tạo ra trên lãnh thổ VN là bao nhiêu; nếu khu vực là ASEAN thì xem phần giá trị được tạo ra trong phạm vi ASEAN.

Nếu các nước tham gia FTA thống nhất quy định RVC là 30% thì một sản phẩm sẽ được coi là sản phẩm của VN (hoặc của ASEAN) nếu giá trị tạo ra trên lãnh thổ VN (hoặc ASEAN) bằng hoặc lớn hơn 30%. Mức RVC này có thể khác nhau theo mặt hàng, tùy theo thỏa thuận giữa các bên.

Thí dụ, trong Hiệp định TPP trước đây, RVC áp dụng cho mặt hàng ôtô có thể lên tới 55%. Một trường hợp cực đoan của RVC là “sản xuất toàn bộ”, tương đương RVC 100%, thường được áp dụng cho nông sản tươi sống, thí dụ như thủy sản, hoa quả.

Phương pháp phổ biến tiếp theo là sử dụng Biểu HS (Biểu phân loại hàng hóa trong thương mại quốc tế) để xác định xuất xứ. Biểu này được xây dựng theo chương (HS 2 số), chương chia ra thành các đầu mục (HS 4 số), đầu mục chia tiếp thành các tiểu mục (HS 6 số).

Một sản phẩm sẽ được coi là có xuất xứ VN nếu nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm đấy được phân loại vào chương này trong khi sản phẩm cuối cùng lại được phân vào một chương khác. Kiểu xác định xuất xứ này được gọi là “chuyển đổi chương” (CTC), là kiểu khó nhất.

Các quy tắc dễ hơn là “chuyển đổi đầu mục” (CTH) và “chuyển đổi tiểu mục” (CTSH). Khi sử dụng CTC, CTH hoặc CTSH, người ta sẽ không quan tâm tới hàm lượng giá trị RVC nữa.

Ngoài hai phương pháp cơ bản trên, còn một số phương pháp khác, áp dụng cho một số sản phẩm đặc thù, thí dụ sử dụng quy trình của phản ứng hóa học với sản phẩm làm ra cần phản ứng hóa học như rượu; hoặc quy tắc “từ sợi trở đi” áp dụng cho sản phẩm dệt may...

Các sản phẩm tiêu thụ nội địa ghi xuất xứ thế nào là vấn đề nội bộ của từng quốc gia, các FTA không điều chỉnh việc này. Với VN, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo nghị định 43/2017 của Chính phủ.

Hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất "Made in Viet Nam" đang là một nhu cầu cấp bách. Hy vọng với sự ra đời của khung pháp lý về vấn đề này, sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sẽ tự tin hơn nữa khẳng định chất lượng, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt Nam và thế giới.


Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus