thegioiceo.com
Online 342 | Đăng nhập
Tỉ giá USD/VND sẽ tăng đến đâu?
17-12-2010  3561
Theo Citigroup, dự trữ ngoại tệ năm 2010 của VN khoảng 14 tỉ USD và theo nhận định của một chuyên gia thì lượng ngoại tệ này nếu bơm vào cũng chưa đủ để bình ổn thị trường. Đó là chưa kể việc bơm USD ra thị trường có thể dẫn đến hệ lụy “nhân đôi” hiện tượng đầu cơ USD. Tỉ giá liệu sẽ tăng đến đâu khi thị trường còn chưa lấy lại được niềm tin vào giá trị VND.
Tính từ cuối năm 2008, tỉ giá bình quân liên ngân hàng VND/USD đã được điều chỉnh đến 5 lần: 3% (cuối năm 2008), 2% (quý I/2009), 3,4% (quý IV/2009), 3,4% (quý I/2010) và 2,1% vào tháng 8.2010. Và cứ mỗi lần thay đổi như vậy, tỉ giá trên thị trường không chính thức cũng nhanh chóng tăng theo với mức chênh lệch lớn, rượt đuổi sát nút với “phe chính thống”.

Thông điệp “ổn định tỉ giá từ nay đến Tết Nguyên đán” được Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Lê Đức Thúy đưa ra đầu tháng 11.2010 để trấn an dư luận, nhưng ngay lập tức thị trường đã đặt ra câu hỏi: “Vậy sau Tết sẽ thế nào?”. Vẫn bất an về việc tỉ giá tiếp tục tăng, một số người dân và doanh nghiệp đổ xô mua USD, khiến thị trường phi chính thức trở nên sôi động với mức tỉ giá cao chóng mặt. Dù trong ngày 9.11 Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố bán ngoại tệ cho các ngân hàng có đơn xin mua nhằm hạ nhiệt giá USD nhưng đó cũng chỉ là thuốc giảm đau tức thời. Tỉ giá vẫn tăng!

Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi một tập đoàn tài chính ngân hàng quốc tế của Mỹ tại Việt Nam dự báo, đến năm sau, tỉ giá chính thức có thể sẽ là 20.800 đồng, nghĩa là tăng 6,6% so với hiện tại (19.500 đồng). Nguyên nhân chính là khoảng cách khá lớn giữa tỉ giá chính thức với thị trường tự do và tăng tỉ giá có thể là giải pháp sẽ được nghĩ đến.

Tỉ giá tăng đến đâu?

Hiện tượng này từng xảy ra trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 8.2009, khi người dân và doanh nghiệp đều găm USD, tạo nên hiện tượng khan hiếm giả tạo USD trên thị trường tự do lẫn chính thức, khiến không ít doanh nghiệp lao đao vì thiếu USD để thanh toán các đơn hàng nước ngoài đã tới hạn. Ông Lâm Trọng Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Gỗ sấy Gosaco, chia sẻ, hiện ông đã phải mua USD trong ngân hàng với giá ngang ngửa trên thị trường tự do là 21.350 đồng (so với cách đây 6 tháng chỉ dưới 19.500 đồng). Thậm chí, 2 ông chủ doanh nghiệp có tiếng khác (một thuộc ngành cơ khí, một thuộc ngành in ấn) cho biết, các ông đang cầm trong tay một lượng tiền VND rất lớn nhưng không thể mua được USD cả từ ngân hàng lẫn thị trường tự do.
Theo khảo sát của Nhịp Cầu Đầu Tư, lúc này giải pháp tăng tỉ giá được nhiều chuyên gia và tổ chức tài chính đề xuất, trong đó có Citigroup.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, tán thành quan điểm tăng tỉ giá. Tuy nhiên, ông cho rằng mức tăng 6,6% như dự báo là khá cao, nhưng “không phải là không thể xảy ra”. Nếu nhìn lại lịch sử, tỉ giá đã có lúc được điều chỉnh tăng 3% và tạo nên một đòn giáng mạnh vào khu vực doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến việc tỉ giá cao, tiền đồng mất giá khiến nhu cầu tích trữ USD và vàng càng cao, hình thành nên vòng xoáy rất khó tìm thấy lối ra cho một nền kinh tế đang tồn tại cùng lúc 3 công cụ thanh toán: VND, USD và vàng.

Năm 2009, khi việc găm USD, khan hiếm USD giả tạo xảy ra, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét nới rộng biên độ tỉ giá trên mức 5% để giá đồng USD ở thị trường tự do có thể thu hẹp khoảng cách với thị trường liên ngân hàng (tháng 8.2010, tỉ giá liên ngân hàng đã được tăng thêm 2,1%, nhưng biên độ dao động vẫn được giữ nguyên 3%). Tuy nhiên, đến lúc này, khi hỏi tỉ giá có thể sẽ tăng đến đâu, ông Doanh không đưa ra con số cụ thể mà nói nhiều hơn về việc điều chỉnh theo lối “thường xuyên và linh hoạt”.

Ông Doanh còn lưu ý thêm rằng, dù VND bị giảm giá mạnh cũng chẳng giúp ích gì nhiều cho doanh nghiệp xuất khẩu, khu vực đóng góp rất quan trọng vào GDP Việt Nam. Vì Việt Nam vẫn đang đối mặt với bội chi ngân sách và thâm hụt cán cân thanh toán (nhập siêu), đồng thời sản phẩm xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. “Tôi không nghĩ giảm giá mạnh VND để có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu là giải pháp khả thi, vì nhiều doanh nghiệp nói với tôi rằng họ đã mất đến 50% lợi nhuận do tỉ giá tăng. Và nếu tăng nữa thì họ nắm chắc phần phá sản. Nhưng điều hành tỉ giá theo lối “giật cục” hiện nay, nghĩa là không theo quy luật nào và tùy thuộc vào sự phán xét của Ngân hàng Nhà nước, thì cũng không ổn. Nên chăng chúng ta phải điều chỉnh hằng ngày một cách linh hoạt và nương theo thị trường hơn?”, ông Doanh chia sẻ.

Trong khi việc điều chỉnh tỉ giá được xem là giải pháp khả thi thì các công cụ khác trong chính sách tiền tệ, chẳng hạn như bơm USD để ổn định tỉ giá, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn này hơn, dường như khó triển khai.

Theo Citigroup, dự trữ ngoại tệ trong năm 2010 của Việt Nam khoảng 14 tỉ USD (dự báo có thể tăng đến 18 tỉ USD năm 2011) và theo nhận định của một chuyên gia thì lượng ngoại tệ này nếu bơm vào cũng chưa đủ để bình ổn thị trường. Đó là chưa kể việc bơm USD ra thị trường có thể dẫn đến hệ lụy “nhân đôi” hiện tượng đầu cơ USD. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhắc lại: “Thái Lan từng tung USD để ổn định tỉ giá vào năm 1997, nhưng việc này lại gây ra một làn sóng đầu cơ rất lớn. Đây là bài học cho chúng ta”.

Như vậy, dù sử dụng chính sách tài khóa hay tiền tệ thì đều có những rủi ro lớn phải cân nhắc. Quan trọng hơn, chúng cũng chỉ giải quyết trước mắt vấn đề của những con số, trong khi lúc này niềm tin của thị trường mới là thế lực mạnh nhất.

Niềm tin nằm ở đâu?

“Chuyện găm USD, hiếm USD giả tạo gây bất ổn kinh tế vĩ mô không khó giải thích một khi doanh nghiệp và người dân vẫn tin rằng tiền đồng đang và sẽ tiếp tục mất giá”, ông Đỗ Anh Tú, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Diana, nhận định. Và dù áp dụng công cụ nào, bơm USD hay tăng tỉ giá, thì cũng chỉ giải quyết phần ngọn.

Vậy cái gốc của vấn đề nằm ở đâu? Ông Thành, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết, trên thế giới có 2 chế độ tỉ giá chủ yếu: tỉ giá cố định (như Hồng Kông) và tỉ giá gần như thả nổi hoàn toàn (được các nước phát triển áp dụng). Tỉ giá cố định được doanh nghiệp “ưa chuộng” nhưng khó quản lý về mặt vĩ mô (do bị cứng nhắc, đưa vào khuôn khổ), trong khi tỉ giá thả nổi thì ngược lại. Việt Nam chọn biện pháp kết hợp cả hai, còn gọi là “thả nổi có quản lý” (mặc dù các lý thuyết kinh tế đều cho rằng chế độ tỉ giá hối đoái cố định, chính sách tiền tệ độc lập và tự do lưu chuyển vốn là 3 điều không thể thực hiện đồng thời). “Vấn đề không chỉ là chọn chế độ tỉ giá nào mà là nghệ thuật điều hành. Và nghệ thuật điều hành thì liên quan đến kỳ vọng và niềm tin của thị trường đối với chính sách”, ông Thành nói. Đó mới chính là cái gốc của câu chuyện tỉ giá cũng như điều hành vĩ mô.

Có thể thấy niềm tin này qua câu chuyện kiều hối. Khi nhận được kiều hối của người thân ở nước ngoài gửi về, người nhận sẽ có 3 cách để sử dụng, đó là: giữ nó trong nhà, gửi tiết kiệm ngoại tệ vào ngân hàng, hoặc đổi sang đồng nội tệ. Theo số liệu từ Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11.2010, lượng kiều hối chảy vào Việt Nam là 7,6 tỉ USD. Trong tháng 12, tháng cao điểm nhận kiều hối, ước sẽ đạt thêm 770 triệu USD nữa, nâng tổng nguồn thu kiều hối năm 2010 lên 8 tỉ USD (tăng 25,6% so với cả năm 2009).

Tuy nhiên, theo ông Lê Trí Thông, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, lượng kiều hối này có trở thành nguồn vốn cho nền kinh tế hay không thì phải xem người giữ USD có muốn bán ra hay vẫn giữ trên đầu giường của mình. “Hiện tại, đối với USD, chúng ta thiếu thì thiếu mà thừa vẫn thừa, vì còn một lượng lớn USD ở trong dân và doanh nghiệp. Họ tin rằng ngoại tệ này sẽ còn lên giá nên giữ lại”, ông nói.

Trên thực tế, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP.HCM, cho biết, hiện có hơn 9 tỉ USD doanh nghiệp giữ trong tài khoản ở các ngân hàng tại TP.HCM, trong khi một nguồn tin không chính thức khác cho biết, đang có đến 800 tấn vàng nằm trong tủ của doanh nghiệp và người dân.

Còn chuyện đầu cơ USD của doanh nghiệp? Nhiều doanh nghiệp có năng lực tài chính khi được hỏi đã “né tránh” chuyện họ găm USD, nhưng cũng cho rằng việc này nếu có xảy ra cũng không thể đổ hết tội cho doanh nghiệp. Ông Đỗ Hà Nam, Công ty Cổ phần Xuất khẩu Intimex, bày tỏ: “Vấn đề không phải Chính phủ sẽ tăng tỉ giá đến đâu, mà là khi đã điều chỉnh một lần liệu tỉ giá có tiếp tục bị điều chỉnh nữa hay không. Chúng tôi không thể biết điều này. Và khi tin như vậy, việc găm giữ USD càng không thể mất đi”.

Rõ ràng câu chuyện tỉ giá giờ đây chỉ quanh hai chữ “niềm tin”. Nhưng, niềm tin ấy đang ở đâu?

Lấy niềm tin đổi niềm tin?

Lấy niềm tin đổi niềm tin là giải pháp cho “phần gốc” mà ông Lê Đăng Doanh đưa ra. Và trong vô số những điều cần làm để gia tăng niềm tin, ông Võ Trí Thành cho rằng, quan trọng nhất là Chính phủ phải tạo một sự minh bạch với thị trường. Minh bạch không có nghĩa là phải công khai tất cả mà cần đưa ra thông điệp về chính sách tiền tệ nhất quán, để mỗi người không phải hiểu theo một cách khác nhau. Song song đó, theo ông Thành, kéo lạm phát xuống thấp là điều quan trọng nên làm.

Một yêu cầu bức bách khác là phải giải quyết cho được bài toán tỉ giá cân đối. Như thế nào thì được gọi là cân đối? Đó là cán cân thương mại phải cân đối, hoặc nếu có thâm hụt thì theo ông Thành phải nên là thâm hụt bền vững. Chẳng hạn, chúng ta có 3 đồng để chi tiêu nhưng phải chi mua hàng đến 5 đồng thì phải tìm được nguồn bảo trợ tốt cho 2 đồng còn lại.

Trong lúc này, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để củng cố niềm tin, khi kinh tế Việt Nam đang được thế giới nhìn nhận một cách sáng sủa hơn.

Thứ nhất, các nghiên cứu về triển vọng tăng trưởng kinh tế của các tổ chức tài chính thế giới đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2011, trong đó có châu Á, sẽ tăng trưởng chậm lại. Duy chỉ có 2 thị trường châu Á được đánh giá có tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010 là Việt Nam và Indonesia. Cho nên, niềm tin về dòng vốn ngoại đổ vào là có cơ sở.

Thứ hai, mức dự trữ ngoại tệ, theo dự báo của Citigroup, cũng sẽ tăng từ 14 tỉ USD năm nay lên 18 tỉ USD trong năm tới và lượng kiều hối có thể tiếp tục giữ được phong độ cũng cho thấy những điểm sáng cho vấn đề tỉ giá.

Nền tảng thì có, nhưng vẫn chỉ là nền tảng, vì cho đến lúc này Chính phủ vẫn chưa có hành động mạnh mẽ nào đối với chính sách tiền tệ. Trong khi đó, trên thị trường mỗi ngày, mỗi buổi tỉ giá tự do vẫn nhảy múa và doanh nghiệp vẫn không thể không mua được USD để trang trải cho các hoạt động kinh doanh và trả nợ.

Doanh nghiệp nghĩ gì? Ông Tú, Công ty Diana và ông Sơn, Công ty Gosaco, quan ngại, nếu lãi suất cứ tăng, tỉ giá tiếp tục chênh lệch lớn, sớm hay muộn lạm phát cũng sẽ tăng. Hệ lụy của nó không chỉ là nguồn nguyên liệu nhập khẩu trở nên đắt đỏ mà lạm phát tăng còn khiến chi phí sản xuất tăng đến mức không chịu nổi. Cho nên, cả ông Tú và ông Sơn đều cho biết sẽ cố gắng bảo vệ lợi nhuận hơn là hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao. Và đến nay, đây có lẽ không chỉ là chiến lược của riêng 2 công ty này.
Theo NCĐT

 


Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus