thegioiceo.com
Online 431 | Đăng nhập
Việt Nam trở thành cường quốc du lịch của thế giới trong tương lai?
12-09-2018  1490
Năm 2017, Việt Nam phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa. Lần đầu tiên, gần 13 triệu lượt khách quốc tế. Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và được Tổ chức Du lịch Thế giới xếp thứ 6 trong 10 điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và đứng đầu châu Á.

Thêm một trong những cú hích lớn cho du lịch Việt Nam là vào tháng 1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08/NQ-TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu đến năm 2020 thu hút được 17-20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD và đóng góp trên 10% GDP.

Sự phát triển đột phá trong những năm gần đây không những khiến cho những mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt cách đây 7 năm có thể sẽ lạc hậu, mà còn là cơ sở để chúng ta kỳ vọng cao hơn con số đặt ra cho năm 2020 và hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một cường quốc du lịch của thế giới.

Chúng ta hoàn toàn có cơ hội và khả năng biến khát vọng này trở thành hiện thực. Thái Lan có hơn 50 triệu dân nhưng đón tới 35,4 triệu lượt khách quốc tế trong khi Việt Nam có dân số gần 100 triệu nhưng số lượng khách du lịch quốc tế chưa bằng một nửa của Thái Lan. Hiện nay, Chính phủ đang đặt ba ngành là nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin là các ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng nếu so sánh thực trạng, khả năng cạnh tranh quốc tế, tiềm năng phát triển trong thế giới phẳng thì du lịch là lĩnh vực khả thi nhất, hiệu quả nhất, tiềm năng lâu dài mà người dân và doanh nghiệp Việt có thể làm chủ cuộc chơi để đủ sức cạnh tranh với các nước mạnh về ngành công nghiệp không khói hàng đầu ASEAN, châu Á và thế giới.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hoá, lịch sử và con người, Việt Nam hoàn toàn có thể sớm hướng đến mốc 35 triệu lượt khách quốc tế của Thái Lan hiện nay nếu có những giải pháp đột phá cho ngành kinh tế chiến lược cất cánh, đóng góp 10% GDP cho đất nước, tạo nhiều công ăn việc làm vì robot không thể thay thế nụ cười và trái tim trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo bảng chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp thứ hạng cao về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá, nguồn nhân lực, an ninh – an toàn và cạnh tranh giá. Các doanh nghiệp Việt đã, đang và sẽ có khả năng phát triển những dự án du lịch quy mô, đẳng cấp, đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng và đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.

Thống kê của Tổng cục Du lịch năm 2017, tổng số phòng khách sạn từ 3-5 sao tại Việt Nam là khoảng 100.000 phòng. Đặc biệt, hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao đang bùng nổ mạnh mẽ, trong đó theo CBRE, số lượng phòng khách sạn riêng bốn thị trường trọng điểm là Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long và Phú Quốc vào năm 2020 dự kiến sẽ tăng lên 84.300 phòng so với tổng cộng 53.000 phòng ở thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân cũng đi đầu trong việc phát triển các sản phẩm du lịch mới, hình thành các tổ hợp vui chơi giải trí lớn, đa dạng hoá sản phẩm du lịch như cáp treo, casino, sân golf, biểu diễn thực cảnh cũng như tham gia xây dựng sân bay và mua sắm máy bay để mở rộng mạng lưới bay từ các thị trường quốc tế đến Việt Nam cũng như giữa các thị trường du lịch trọng điểm trong nước.

Tuy nhiên, trình độ phát triển du lịch Việt Nam vẫn tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực suốt một thời gian dài do cơ sở hạ tầng du lịch và sản phẩm du lịch nghèo nàn, chính sách phát triển du lịch chưa hấp dẫn, quảng bá và tiếp thị du lịch còn yếu. Chẳng hạn, du lịch Việt Nam vẫn còn thiếu những sản phẩm có thể tạo thành điểm đến giống như tổ hợp khách sạn - sòng bạc Marina Bay Sands ở Singapore, các công viên chủ đề theo mô hình Disneyland hay Universal, hay trường đua xe Công thức I có đủ sức thu hút khách du lịch ở tầm quốc tế. Những yếu tố tạo động lực cho du lịch phát triển của Việt Nam như hạ tầng, ưu tiên cho du lịch và mở cửa du lịch đều bị Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng ở mức thấp.

Để du lịch có thể tăng tốc phát triển nhanh hơn và có thể trở thành một cường quốc du lịch, Nhà nước cần tháo gỡ bốn nút thắt quan trọng đang cản trở sự phát triển của du lịch Việt Nam.

Thứ nhất, hoàn thiện hạ tầng được coi là một trong ba đột phá chiến lược của đất nước. Hạ tầng tốt sẽ kết nối và thúc đẩy du lịch các địa phương phát triển. Hệ thống sân bay tại các thị trường du lịch trọng điểm cần được tiếp tục được đầu tư và nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch đang bùng nổ. Tín hiệu tích cực là trong thời gian gần đây đã thu hút được nguồn lực tư nhân để xây dựng các nhà ga và cảng hàng không ở Vân Đồn, Đà Nẵng và Cam Ranh, nhưng hạ tầng và dịch vụ của nhiều sân bay khác vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của du lịch.

Một trong những nút thắt của hạ tầng giao thông hiện nay là hệ thống đường sắt đang quá lạc hậu với khổ 1m. Đường bộ đã được cải thiện rất nhiều mà nổi bật là tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn thông xe toàn bộ cuối năm nay sẽ rút ngắn một nửa thời gian di chuyển từ Hà Nội xuống Hạ Long và Vân Đồn, từ đó tạo đà phát triển bứt phá cho du lịch Hạ Long và mở rộng không gian phát triển du lịch ra vịnh Bái Tử Long và Vân Đồn. Tuy nhiên, giao thông đến nhiều địa điểm du lịch tiềm năng khác vẫn vất vả, như phải mất 10 tiếng để đi hết quãng đường từ Hà Nội đến Quảng Bình. Hay như mất 6 tiếng để đi từ TP. HCM đến Rạch Giá qua thủ phủ Cần Thơ nên nếu không có hạ tầng giao thông tốt thì Đồng bằng sông Cửu Long khó có thể phát triển nhanh.

Để bắt kịp các nước trong khu vực và thế giới, chúng ta cần mạng lưới đường cao tốc trục Bắc - Nam sớm nhất song hành cùng mạng lưới hàng không hiện đại. Đường sắt cao tốc với tốc độ nhanh 200 km/h và sau này có thể nâng cấp lên cao tốc 350 km/h cũng cần khởi động, trong đó có thể lựa chọn thí điểm phát triển tàu cao tốc trên tuyến trọng điểm Nha Trang – TP. HCM, Hà Nội – Vinh theo mô hình Shinkansen chăng?

Biện pháp thứ hai mang tính đột phá là sớm miễn thị thực cho du khách nước ngoài tới Việt Nam nhằm giúp du khách tiết kiệm được thời gian, chi phí, thông qua đó nâng cao sức thu hút của du lịch Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, những nước có thể thu hút trên 20 triệu lượt khách mỗi năm đều có chính sách miễn thị thực rất thông thoáng.

Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã thực hiện chính sách cấp thị thực điện tử và cấp thị thực tại cửa khẩu, từ đó giúp đơn giản hoá quy trình, thủ tục cấp thị thực cho du khách nước ngoài. Đồng thời, chính sách thị thực cũng cởi mở hơn khi Việt Nam thực hiện miễn thị thực cho 24 quốc gia. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, chính sách thị thực của Việt Nam vẫn được đánh giá là khắt khe, bởi Thái Lan miễn thị thực cho công dân 57 nước, Indonesia 168 nước, Malaysia 162 nước và Singapore 159 nước.

Nếu hé cửa thì vẫn là rụt rè, chưa chủ động đón khách. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tức là sẽ là ngành mang lại ngoại tệ lớn, nên tại sao chúng ta không mở toang cửa để đón khách? Nếu xét về hiệu quả, hãy tính chi phí thị thực mỗi du khách phải trả là 25USD và trung bình mỗi du khách Úc tiêu gần 1.500USD. Đây chính là con số biết nói.

Phú Quốc là ví dụ sinh động về lợi ích của miễn thị thực 30 ngày. Năm 2017 mỗi ngày có hàng chục chuyến bay quốc tế đến Phú Quốc, đóng góp khoảng 30% lượng khách quốc tế, đặc biệt là khách bay thẳng từ Tây Âu như Thuỵ Điển, Anh, Ý… và những khách này thường ở tối thiểu 15 ngày với chi tiêu bình quân 1.500 – 2.000USD/người.

Thứ ba là nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực. Tinh thần của Bộ Chính trị và Chính phủ xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn cần được quán triệt tới các bộ, ngành, các địa phương nhằm tạo hành lang và chính sách phát triển thông thoáng, kết nối các địa phương nhằm tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, nâng cao nhận thức của người dân để mỗi người dân là một đại sứ du lịch, từ đó nâng cao thương hiệu và sức hút của du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách thu hút đầu tư đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ tay nghề cũng như cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch đang bùng nổ; đồng thời dành 1 - 2% Tổng doanh thu từ du lịch cho việc này.

Thứ tư là kết hợp nguồn lực nhà nước và huy động vốn toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Các quốc gia dẫn đầu về đón khách du lịch quốc tế như Thái Lan, Singapore và Malaysia đều đầu tư lớn vào quảng bá trên thị trường quốc tế. Hiện nay, ngân sách dành cho quảng bá du lịch của Việt Nam mỗi năm chưa đầy 2 triệu USD, trong khi của Malaysia là 69 triệu USD, Singapore 80 triệu USD, Thái Lan 105 triệu USD.

Chi phí xúc tiến, quảng bá du lịch thấp, cộng với cách quảng bá nghiệp dư, thiếu sự nghiên cứu, dẫn đến hình ảnh du lịch Việt Nam mất đi sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Nhà nước chỉ cần bỏ ra 1-2% tổng doanh thu du lịch dành cho xúc tiến, quảng bá thì sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong khi đó, khối doanh nghiệp cũng có thể đồng hành thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế và bắt tay với các thương hiệu quản lý khách sạn, các hãng lữ hành danh tiếng trên thế giới.

Nếu có hạ tầng tốt, miễn thị thực du lịch, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu và đẩy mạnh quảng bá, phần còn lại như phát triển sản phẩm du lịch, tạo điểm đến và xây dựng cơ sở lưu trú là do người dân và doanh nghiệp làm, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc du lịch của thế giới, đóng góp cho GDP hàng trăm tỷ USD trong tương lai.


Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus