thegioiceo.com
Online 117 | Đăng nhập
ADB “khuyên” Việt Nam đừng vội vàng tăng trưởng kinh tế
13-04-2010  1653
“Hiện tại, Việt Nam nên tập trung cải thiện sự hiệu quả hệ thống kinh tế của mình. Sự ổn định và hiệu quả sẽ là động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, và bây giờ không phải là lúc vội vàng cho tăng trưởng”.

Đó là “lời khuyên” của ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, tại lễ công bố ấn phẩm “Triển vọng phát triển châu Á 2010” được tổ chức sáng nay, 13/4.

“Thỏ chưa chắc đã về đích trước rùa”, vị chuyên gia yêu văn hóa Việt này ví von một cách hình ảnh về tình hình Việt Nam, cũng như gợi ý ưu tiên chính sách trong giai đoạn hiện nay.

Đã phần nào thắt chặt chính sách

Theo báo cáo của ADB, những áp lực về điều chỉnh giá trị VND và lạm phát được hình thành từ cuối năm 2009, phần nào do các chính sách kích thích kinh tế.

Sự tăng nhanh của cung tiền (tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế tăng thêm ở mức 39,6% và cung tiền M2 tăng 29% năm 2009) và giảm sút tỷ giá hối đoái lại một lần nữa làm bùng lên lạm phát. Cho đến tháng 3/2010, chỉ số giá tiêu dùng (bình quân năm) đã tăng ở mức 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều ngân hàng bắt đầu thiếu hụt thanh khoản vào cuối năm 2009, một phần do sự tăng trưởng chậm lại của tiền gửi vì kì vọng lạm phát tăng; tín dụng ngân hàng tiếp tục được thắt chặt vào năm 2010.

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã hạ tỷ giá tham chiếu khoảng 9% trong cuối năm 2009 và đầu năm 2010, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ, và đưa ra mức dự trữ USD tối đa là 1% đối với các đối tượng phi cá nhân.

Ông Ayumi Konishi lập luận: “Nếu hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam không được cải thiện thì các nỗ lực nhằm đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao hơn chắc chắn sẽ dẫn đến sự quay trở lại của lạm phát cao. Tâm lý lo ngại lạm phát của người dân sẽ tạo sức ép đối với đồng nội tệ Việt Nam”.

Theo ADB, chính sách tài chính của Việt Nam đã phần nào đã thắt chặt hơn. Ngân sách năm 2010 nhắm vào một mức tổng thâm hụt tài chính hẹp hơn vào khoảng 8,3% GDP. Về mặt tiền tệ, trợ cấp lãi suất cho các khoản vay ngắn hạn đã kết thúc, nhưng trợ cấp vẫn được duy trì cho những khoản vay trung hạn cho một số ngành được lựa chọn ở mức giảm 2% điểm.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã loại bỏ trần lãi suất cho vay trung và dài hạn vào tháng 2/2010, cho phép các ngân hàng tăng lãi suất cho vay. Ngoài việc tăng lãi suất cơ bản vào cuối năm 2009, Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2010 ở mức 25%, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng thực tế 39,6% của năm ngoái.

Kịch bản cho năm 2010

Những dự báo của ADB cũng dựa trên giả định rằng Chính phủ sẽ thực hiện các chính sách và biện pháp như thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa hơn nữa trong năm 2010 để hạn chế áp lực lạm phát và điều chỉnh giá trị đồng nội tệ, cũng như giữ cho các chính sách “chặt” vừa phải trong năm 2011, không sử dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Trên các giả định này, ADB cho rằng tăng trưởng GDP dự kiến sẽ ở mức 6,5% vào năm 2010 và 6,8% vào năm 2011; luồng kiều hối và thu nhập sẽ làm tăng tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng tư nhân; đồng thời, tăng trưởng tiêu dùng xã hội và đầu tư tài chính trong nước sẽ chỉ ở mức vừa phải, do sự suy giảm trong chi tiêu ngân sách và tín dụng ngân hàng chặt chẽ.

“Sự mạnh lên của nhu cầu bên ngoài dự kiến góp phần thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp và sản xuất trong cả hai năm 2010 và 2011. Sản lượng khai thác dầu có thể đạt mức 16,5 triệu tấn trong năm 2010, nhưng giảm vào năm 2011 do sản lượng ở các giếng dầu cũ giảm đi. Ngành xây dựng sẽ bị giảm sút tăng trưởng do sự suy yếu của đầu tư tài chính trong nước. Ngành dịch vụ dự kiến sẽ được hưởng lợi từ việc mở rộng các hoạt động ngoại thương và lượng khách du lịch tăng lên”, ADB dự báo.

Lạm phát trong năm 2010 được ADB dự báo sẽ tăng tốc ở mức trung bình khoảng 10%, do sự tăng trưởng nhanh chóng của cung tiền trong năm 2009, việc phá giá đồng Việt Nam, và sự gia tăng dự kiến trong hoạt động kinh tế và giá cả hàng hóa thế giới vào năm 2010. Trong trường hợp chính sách tiền tệ và tài chính được thắt chặt trong năm nay, lạm phát có thể giảm xuống khoảng 8% vào năm 2011, báo cáo của ADB phán đoán.

Xuất khẩu sẽ tăng vào năm 2010 do sự tăng trưởng của nhu cầu quốc tế. Du lịch và các luồng kiều hối dự kiến tăng lên do tình hình kinh tế của các nền kinh tế công nghiệp được cải thiện. Tuy nhiên, nhập khẩu sẽ tăng hơn xuất khẩu do sự gia tăng dự kiến của tăng trưởng trong nước và giá nhập khẩu cao hơn.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ phục hồi, do điều kiện tài chính toàn cầu được cải thiện. Luồng đầu tư gián tiếp có thể vẫn ở quy mô nhỏ và luồng ra của vốn ngắn hạn sẽ có thể ở mức vừa phải. Tài khoản vốn được kì vọng sẽ có thặng dư và vị trí cán cân thanh toán gần với mức cân bằng, với điều kiện duy trì được niềm tin về ổn định kinh tế vĩ mô trung hạn và mức dự trữ ngoại hối chính thức ít thay đổi.

Trong năm 2011, một sự tăng trưởng nhanh hơn trong xuất khẩu, du lịch và kiều hối sẽ kéo thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức khoảng 5,5% GDP. Luồng vốn cũng tăng do đà phục hồi toàn cầu. Cán cân thanh toán tổng thể được dự kiến sẽ trong thặng dư vào năm 2011, nâng cao hơn mức dự trữ chính thức của Việt Nam.

Thách thức từ lựa chọn chính sách

Tuy nhiên, ADB cũng lưu ý một số rủi ro từ trong nước đối với triển vọng kinh tế nêu trên.

Trước hết, nếu chính sách tiền tệ và tài chính không thắt chặt một cách đầy đủ, lạm phát có thể tăng trên mức dự kiến và thâm hụt hiện nay sẽ xấu đi. Lạm phát tăng mạnh và cán cân thương mại xấu đi có thể đòi hỏi chính sách thắt chặt đột ngột vào năm 2011, kéo tăng trưởng GDP dưới mức dự báo.

Ngoài ra, việc sử dụng biện pháp hành chính như kiểm soát giá cả và hạn chế nhập khẩu để kiềm chế lạm phát và áp lực phá giá, theo ADB, có thể làm giảm tăng giá và nhập khẩu, song cũng có thể làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài và có khả năng sẽ dẫn đến thiếu hụt đầu tư.

Báo cáo của ADB phân tích, sự kết thúc của trợ cấp cho các khoản vay ngắn hạn và dự kiến việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ “siết” một số khách hàng vay, có thể dẫn đến sự gia tăng các khoản nợ xấu, gây thêm căng thẳng trong hệ thống ngân hàng.

“Điều quan trọng là cần quản lý sự giảm sút tăng trưởng tín dụng và cung tiền thông qua việc tăng lãi suất một cách có trật tự, hơn là một tình trạng thiếu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh đó, việc loại bỏ trần lãi suất trên các khoản vay trung và dài hạn là một bước đi đúng hướng”, ADB khuyến nghị.

Tình trạng thiếu ngoại hối trên thị trường chính thức làm giảm niềm tin vào tiền tệ, thúc đẩy lạm phát và làm tổn thương đầu tư và vấn đề này, theo ADB, cần được giải quyết thông qua sự kết hợp của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và tăng sự linh hoạt về tỷ giá.

“Điều quan trọng là cải thiện khuôn khổ pháp lý và thể chế cho chính sách tiền tệ trong trung hạn. Duy trì ổn định giá cả nên là mục tiêu chính của chính sách tiền tệ, và Ngân hàng Nhà nước phải được hoạt động tự chủ hơn để theo đuổi mục tiêu này một cách có hiệu quả”, ADB nêu quan điểm.

Báo cáo của ADB ước tính, đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới sẽ chiếm khoảng 11% GDP mỗi năm, với khoảng một nửa được đáp ứng từ ngân sách.
 


Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus