thegioiceo.com
Online 317 | Đăng nhập
Sáp nhập tại Kinh Đô: Các cổ đông được gì?
20-05-2010  1767
Một trong những nội dung quan trọng được nhiều cổ đông quan tâm tại cuộc họp đại hội cổ đông của Công ty Cổ phần Kinh Đô (KDC) là việc sáp nhập Công ty Cổ phần Kinh Đô miền Bắc (NKD) và Công ty Cổ phần KIDO vào KDC.

Dưới đây là những chia sẻ của ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc tập đoàn Kinh Đô, xung quanh vấn đề này.

Cổ đông quan tâm việc sáp nhập này mang lại lợi ích gì cho họ, thưa ông?

Sáp nhập NKD và KIDO vào KDC là bước khởi đầu cho định hướng chiến lược phát triển dài hạn, đưa Kinh Đô trở thành một Tập đoàn thực phẩm đa ngành hàng đầu trong nước và khu vực.

Về lợi ích cho cổ đông: giá trị EPS tăng (EPS sau khi sáp nhập NKD, KIDO vào KDC năm 2010 là 6.489 đồng), EPS năm 2010 trước sáp nhập dự kiến của NKD là 6.018 đồng, KDC (6.449 đồng), KIDO (6.402 đồng), các cổ đông hiện hữu của KIDO, NKD sẽ được hưởng các lợi ích tiềm năng từ các dự án bất động sản của KDC...

Cụ thể, với vốn điều lệ của KIDO là 69 tỷ, theo đó với tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu là 1,1: 1 thì KDC chỉ cần bỏ ra khoảng hơn 60 tỷ đồng là có thể sáp nhập. Năm nay, theo kế hoạch sản xuất - kinh doanh, KIDO dự kiến đạt lợi nhuận gần 60 tỷ thì KDC chỉ cần 1 năm là đã thu hồi vốn, chưa tính khoảng thặng dư hơn 100 tỷ của KIDO. Đó chính là lợi ích trước mắt cho KDC nói chung và cổ đông của công ty nói riêng.

Với KIDO, nếu lên sàn chắc chắn giá cổ phiếu sẽ không tốt như khi sáp nhập KDC, tính thanh khoản cũng không cao bằng. Trong năm nay, KIDO cần hơn 100 tỷ cho kế hoạch đầu tư phát triển, nếu thông qua giải pháp phát hành cổ phiếu để huy động vốn, chắc chắn họ cũng không thể có được mức giá tốt như khi sáp nhập với KDC.

Thông qua sáp nhập, KIDO sẽ thuận lợi và được hỗ trợ vốn để tiếp tục thực hiện những dự án kinh doanh. Hơn nữa với việc đầu tư xây dựng nhà máy tại miền Bắc, KIDO cũng tận dụng được các nguồn lực sẵn có của NKD: mặt bằng, giấy phép xây dựng nhà máy mà không cần phải mất thời gian cho việc tìm đất, xin giấy phép đầu tư...

Đối với NKD, hiện tại vốn điều lệ của NKD là 150 tỷ, nếu tách 1:1 thì KDC phải phát hành hơn 130 tỷ là sáp nhập được NKD vào KDC. Trong khi theo kế hoạch kinh doanh, năm nay NKD sẽ có lợi nhuận 140 tỷ nên cũng chỉ cần 1 năm KDC đã thu hồi vốn.

Và còn gì nữa, thưa ông?

Cụ thể hơn, việc sáp nhập sẽ tiết kiệm cho công ty được nhiều chi phí đầu tư phát triển (R&D); gia tăng vị thế cạnh tranh; giảm chi phí kinh doanh; giảm rủi ro kinh doanh; dễ dàng thu hút nhân sự; nâng cao tính minh bạch trong quản trị.

Về phía cổ đông, tập đoàn Kinh Đô có quy mô lớn, đa dạng hóa sản phẩm, trở thành Tập đoàn thực phẩm lớn trong khu vực. Doanh thu năm đầu tiên sau sáp nhập ước đạt 167 triệu USD, đạt 400 triệu USD sau 5 năm sáp nhập.

EPS sau sáp nhập sẽ mang lại giá trị lớn hơn so với trước sáp nhập và tăng bền vững, với mức tăng trưởng bình quân 03 năm sau khi sáp nhập khoảng 9%/năm. Gia tăng vốn hóa thị trường, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tăng khả năng huy động vốn để tài trợ cho các dự án trong tương lai.

Năm 2009, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thực phẩm của KDC chiếm 40% tổng lợi nhuận, bất động sản chiếm 50%, còn lại lợi nhuận từ hoạt động khác. Việc sáp nhập NKD & KIDO (2 công ty chuyên ngành thực phẩm) vào KDC cũng giúp cân bằng tỷ trọng đóng góp lợi nhuận ngành thực phẩm - bất động sản của Tập đoàn, theo chiều hướng đó, tỷ trọng ngành thực phẩm của KDC sẽ tăng lên.

Dự kiến, sau khi sáp nhập, doanh số riêng ngành thực phẩm sẽ đạt hơn 3.000 tỷ, chưa tính bất động sản.

Kế hoạch và thời điểm sáp nhập được thực hiện như thế nào?

Việc sáp nhập cần có một lộ trình phù hợp và Hội đồng Quản trị đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để giá của các đơn vị xích lại gần nhau. Cụ thể, KDC đã tách cổ phiếu 2 lần để giá cổ phiếu được điều chỉnh gần tương đương NKD. (Sau khi chia thưởng 40% năm 2009 thì đầu năm nay khi đến gần ngày sáp nhập, Hội đồng Quản trị thấy giá vẫn còn khá chênh lệch nên đã tách tiếp bằng cách thưởng thêm 25% để rút ngắn sự chênh lệch về giá).

Việc sáp nhập này cũng tạo tiền đề để Kinh Đô đi tiếp chiến lược sáp nhập những công ty thực phẩm khác. Dự kiến khoảng quý 3/2010 sẽ hoàn thành sáp nhập.

Hoạt động đầu tư kinh doanh của tập đoàn sau sáp nhập ra sao, thưa ông?

Sau sáp nhập, chiến lược của Kinh Đô vẫn tập trung vào hoạt động chính (ngành thực phẩm) và đầu tư nhưng chọn lọc vào các dự án bất động sản tiềm năng tại những địa điểm hấp dẫn, mức sinh lời cao và rủi ro đầu tư thấp.

Về hoạt động, mỗi công ty đều hoạt động riêng biệt không có gì thay đổi do thương hiệu của từng đơn vị đã quen thuộc với người tiêu dùng. Các tổng giám đốc vẫn điều hành công ty như cũ, chỉ duy nhất là sự đổi chủ về tài chính và đối ngoại. Trước đây, NKD và KIDO là công ty cổ phần, giờ chuyển thành Công ty TNHH trực thuộc KDC.

Vốn điều lệ sau khi sáp nhập ước gần 1.200 tỷ đồng và tổng tài sản trên 5.000 tỷ đồng. Dự kiến, đến cuối năm 2012, vốn điều lệ của Tập đoàn là 1.500 tỷ đồng và qui mô doanh thu sẽ đạt trên 5.000 tỷ đồng. Cổ tức hàng năm là 24% bằng tiền mặt và tối thiểu 20% thưởng bằng cổ phiếu.

Và đặc biệt, sau sáp nhập với quy mô doanh thu và lợi nhuận tăng, Kinh Đô sẽ thực hiện chiến lược niêm yết ra nước ngoài, trước mắt là Hồng Kông.


Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus