thegioiceo.com
Online 421 | Đăng nhập
Lương Văn Can – Một nhà cách tân giáo dục thời cận đại
17-10-2016  4316

Lương Văn Can (1854-1927) (có sách ghi là Lương Ngọc Can), tự Ôn Như, hiệu Sơn Lão là nhà giáo dục thời cận đại, một trong những người lập ta trường Đông Kinh nghĩa thục, một gương mặt tiêu biểu của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. Ông quê làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Cha ông là Lương Văn Tích, một người có gia sản bậc trung, cha ông đã phải cần cố gia sản cho ông và em đi học.

Ban đầu ông học ở trường ba cụ Tú trong làng, sau đó theo học trường cụ Cử Vũ Thạch Nguyễn Huy Đức, và đỗ đầu nên được cử làm trưởng môn của trường này. Năm 17 tuổi, Lương Văn Can đã đi thi Hương, đến năm 21 tuổi ông đỗ Cử nhân.
Nhận thấy chính quyền thối nát, không muốn làm quan. Ông ra ở nhà phố Hàng Đào, Hà Nội dạy học, đến năm 1907 liên kết với các đồng chí, lập ra trường Đông Kinh nghĩa thục, hưởng ứng phong trào Đông Du ở Hà Nội. Trong việc mở trường, Lương Văn Can có đóng góp một phần rất lớn. Đây là một trường học được tổ chức theo kiểu Khánh Ứng nghĩa thục ở Nhật thời Duy tân Minh Trị, với mục đích truyền bá tư tưởng mới , kiến thức mới và không thu học phí. Với bản tính ôn nhu mà khí tiết, Lương Văn Can được tín nhiệm cử làm Thục trưởng (tương đương với chức hiệu trưởng ngày nay).
Căn nhà của ông ở phố Hàng Đào được dùng làm trường học. Trường dạy chữ quốc ngữ, chữ Hán lẫn chữ Pháp. Chương trình học của Đông Kinh nghĩa thục, ngoài các kiến thức thuộc dạng khoa học phổ thông, còn có các bài giảng về lịch sử Việt Nam và thế giới, về tư tưởng dân chủ, dân quyền, dân sinh. Đặc biệt, trường còn tổ chức các cuộc diễn thuyết và in ấn phổ biến thơ văn đề cao lòng yêu nước, tinh thần thực nghiệp; hô hào chấn hưng kinh tế, dùng hàng nội hóa…Không những là người sáng lập, ông còn là một giáo viên và biên soạn nhiều bài giảng như Nam quốc địa ca, Bố y thư(khuyên dân chúng dùng vải nội hóa).

Hành động này được nhân dân và sĩ phu yêu nước hưởng ứng nhiệt liệt. Tiếng tăm của trường ngày càng lan nhanh, số học viên sau vài tháng đã lên đến vài nghìn. Lo sợ trước sự phát triển của Đông Kinh nghĩa thục và nhất là mối liên hệ mật thiết giữa nhà trường và phong trào chống Pháp lúc đó, thực dân Pháp khủng bố trắng, ra lệnh đóng cửa trường, bắt giam một số người. Lương Văn Can cũng nhiều lần bị gọi tên, tuy nhiên chính quyền thực dân không có cơ sở để bắt ông, mặt khác ông đã cao tuổi, chủ trương tự trị, bất bạo động.
Đến năm 1914, nhân vụ ném tạc đạn ở Khách sạn Hà Nội, chúng bắt cả trăm người, trong đó có ông, rồi kết án ông 10 năm biệt xứ, lưu đày sang Nam Vang (Phnômpênh – Campuchia). Bị giam hơn 7 năm, chính quyền thực dân giảm án và cho ông trở về Hà Nội ngày 25/11/1921.
Trở về Hà Nội, ông mở trưởng Ôn Như dạy học, chuyên tâm soạn sách. Trong thời gian ở Nam Vang và sau này ở Hà Nội, ông soạn được những bộ sách như: Quốc sư phạm lịch sử, Hán học tiệp kính, Hán tự quốc ân, Âu học tùng đàm, Gia huấn, Thương học phương châm…Ông là một trí thức được nhiều người coi trọng, khi Phan Chu Trinh ra Hà Nội vận động cách mạng cũng đến tham khảo ý kiến của ông. Khi định ứng cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ, Huỳnh Thúc Kháng cũng từng ra Hà Nội trao đổi với ông.
Ngày 12/6/1927, Lương Văn Can qua đời, trước khi mất ông ông gọi con cháu lấy giấy bút để ông viết một câu đối tuyệt bút, nguyên văn như sau.
“Xuất thánh ư Tây dữ xuất ư Đông, kỷ trùng dương tâm lý giai đồng, hu đốt tai khu khu cử nghiệp ngộ du, nhai đáo mộ niên tài hữu giác.
Vị quốc nhi sinh diệc vị quốc nhi tử, sổ thập tải chí nguyện vị toại, sở vọng giả thế thế hậu nhân tư ngã, di lai công sỉ tất vô vong”.
Dịch: Có thánh bên Tây cũng có thánh bên Đông, ngàn dặm trùng dương tâm lý như nhau, thường thay nghề cử nghiệp lầm ta, lúc tuổi xế chiều mới biết.
Vì nước mà sống, cũng vì nước mà chết, mấy chục năm trời mong ước không toại, chỉ vì nguyện người hậu lai nhớ tới, mối hờn đất nước đừng quên.

Trường Đông Kinh nghĩa thục (ngôi nhà có 3 vòm cửa màu trắng) tại phố Hàng Đào, Hà Nội đầu thế kỷ XX.

Ngoài ra ông đã nhờ một nhà in, in hàng ngàn mảnh giấy có 6 chữ “Bảo quốc túy, tuyết quốc sĩ” (giữ tinh hoa của nước, rửa nhục cho nước). Đồng thời bảo con cháu, phát cho những người đi dự đám tang của ông, tuy nhiên chính quyền thực dân đã đánh hơi được điều này. Do vậy ngay sau khi biết tin ông mất chúng lấy cớ ông mắc bệnh dịch tả nên phải mai táng ngay trong chiều hôm đó, nên gia đình đã không kịp thông báo rộng rãi. Đến ngày hôm sau, khi nhân dân biết tin đã đến rất đông. Có tới 500 câu đối viếng, những câu đối viếng được viết với lòng thương tiếc nhưng toát lên lòng yêu nước, sự trăn trở của những nhà trí thức thời kỳ này. Cảm khái nhất là giới công nhân lao động do ông Chu Văn Tấn, đại diện có bài thơ tưởng niệm ông đăng trên Đông Pháp thời báo ở Sài Gòn ngày 24/6/1927 có đoạn mở đầu,

“Hỡi đồng bào!

Lương chí sĩ nước nhà tạ thế

Cái buồn chung há dễ riêng ai

Tôi là lao động thiển tài

Lòng thành tỏ dấu bi ai anh hùng

Hỡi đồng bào Lạc Hồng Nam Việt

Cái buồn chung phải quyết cùng nhau

Thương nhà chí sĩ công lao

Vì dân vì nước tiêu hao một đời…

Lương Văn Can, nhà trí thức, nhà yêu nước, sinh ra trong thời kỳ “nước mất nhà tan”. Cũng như nhiều nhà yêu nước cùng thời, cũng trăn trở, cũng đấu tranh, tuy nhiên điều đó vẫn chưa đủ để giành độc lập cho dân tộc. Song không phải vì vậy mà chúng ta phủ nhận công lao và ảnh hưởng của ông và những nhà trí thức cùng thời. Mà ngược lại, những thế hệ đi sau vẫn luôn dành một sự kính cẩn cho cụ Lương Văn Can nói riêng và thế hệ sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ XX.


Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus