thegioiceo.com
Online 415 | Đăng nhập
Hàng Việt vào Mỹ sẽ ngày càng thêm khó?
01-10-2010  2059
Với lợi thế cạnh tranh chủ yếu là giá, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong thời gian tới có thể sẽ phải đối mặt nhiều hơn với nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Bên lề cuộc tọa đàm “Hoa Kỳ thắt chặt pháp luật về chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với nền kinh tế phi thị trường: Ảnh hưởng tới doanh nghiệp Việt Nam”, luật sư William. H. Barringer, thuộc hãng luật Winston & Strawn, đã có cuộc trao đổi với báo giới.

Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đề xuất nhóm 14 sửa đổi pháp luật về chống bán phá giá và chống trợ cấp, xin luật sư cho biết điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các nền kinh tế phi thị trường, trong đó có Việt Nam?

Nhìn chung, ảnh hưởng của gói thi hành luật này chưa thật sự rõ ràng, nó chỉ rõ ràng khi các vụ kiện mới diễn ra hoặc trong bối cảnh các vụ kiện hiện nay đang diễn ra. Tuy vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng cần phải biết những sản phẩm nào có khả năng sẽ bị kiện, hoặc đã nằm trong diện bị áp thuế chống phá giá.

Song có thể nói rằng gói thi hành về phòng vệ thương mại này của Hoa Kỳ sẽ khiến cho các vụ kiện trở nên "hấp dẫn" hơn đối với các nguyên đơn trong nước, khi đưa ra và tiến hành các vụ kiện.

Gói giải pháp này sẽ khuyến khích các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ đưa ra nhiều hơn các vụ kiện mới. Còn đối với các nhà xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi phải chịu các lệnh áp thuế chống phá giá với mức thuế cao hơn.

Điều này đồng nghĩa với việc, hàng hoá xuất khẩu của các nước có nền nền kinh tế phi thị trường, trong đó có Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện từ Mỹ. Nhưng đây cũng là tín hiệu cho thấy, các doanh nghiệp đã thành công tại thị trường này.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam đều thuộc diện vừa và nhỏ, theo ông, khi đối mặt với các vụ kiện từ phía Mỹ cần có những bước chuẩn bị như thế nào?

Trong vụ Việt Nam bị kiện bán phá giá đối với mặt hàng tôm trước đây, đã cho thấy mô hình khá thành công là các doanh nghiệp phải hợp tác với nhau thông qua sự lãnh đạo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Sự hợp tác này không chỉ giúp các doanh nghiệp chia sẻ chi phí mà còn có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, cũng như tham gia những đợt đào tạo về các vụ kiện.

Ngoài ra, có một vấn đề rất quan trọng mà các nhóm doanh nghiệp cần phải làm ngay khi đối mặt với vụ kiện là tìm hiểu thông tin để biết được công ty nào có khả năng trở thành bị đơn bắt buộc. Nếu bị lựa chọn là bị đơn, các công ty đó cần tham gia nghiêm túc để tìm kiếm một mức thuế suất tốt...

Điều này sẽ giúp tránh xảy ra tình trạng đã xảy ra trong vụ Hoa Kỳ kiện Việt Nam bán phá giá đối với mặt hàng túi PE, hai công ty được chọn là bị đơn bắt buộc đều quyết định không hợp tác với bên điều tra. Điều này đã khiến cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra mức thuế suất rất cao khi dựa trên những dữ kiện bất lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có rất nhiều chuyên gia hiểu biết về lĩnh vực này như Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Các chuyên gia hoàn toàn có thể giải thích, tư vấn ban đầu cho các doanh nghiệp khi có các vụ kiện xảy ra.

Thêm nữa, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), VASEP cùng các công ty đã từng tham gia các vụ kiện cũng có thể trở thành nhà tư vấn đắc lực cho các doanh nghiệp khi phải đối mặt với các vụ việc nêu trên.

Gần đây, trong đợt rà soát hành chính lần 6, thông tin về mức thuế chống bán phá giá có thể được áp dụng cho sản phẩm cá tra của Việt Nam đã được DOC đưa ra là từ hơn 100% đến trên 120%, theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định này?

Một trong những vấn đề quan trọng trong các vụ kiện mà các doanh nghiệp chưa hiểu đấy chính là việc tính giá trị thay thế. Đối với các nước đã được công nhận có nền kinh tế thị trường, thì thuế chống bán phá giá được tính toán dựa vào sự chênh lệch giữa giá bán trong nước và giá xuất khẩu. Do vậy, các công ty ở các nước này có thể điều chỉnh để cho giá trong nước và xuất khẩu không quá chênh lệch và mức thuế bị áp sẽ không quá cao.

Nhưng đối với các quốc gia bị coi là "phi thị trường", số liệu để tính toán sẽ dựa vào một nước thứ ba. Trong trường hợp này, giá trị thay thế là vấn đề quan trọng nhất của vụ kiện, nếu có được thông tin về giá trị thay thế tốt thì mức thuế sẽ thấp và ngược lại.

Trong vụ kiện chống bán phá giá đối với cá tra vừa qua, DOC đột ngột thay đổi quốc gia tính giá trị thay thế của Việt Nam, từ Bangladesh thành Philippines, dẫn đến mức thuế bị đẩy lên cao như vậy .

Đây cũng là điểm tôi muốn lưu ý, đó là giá trị thay thế áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, nên các doanh nghiệp cần phải tập trung nguồn lực lại để giải quyết vấn đề này một cách tốt nhất, thay vì các nỗ lực đơn lẻ.
 


Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus