thegioiceo.com
Online 525 | Đăng nhập
Khủng hoảng nợ lăm le tấn công Bồ Đào Nha
17-04-2010  6505
Giới đầu cơ tiền tệ bắt đầu nhận thấy cơ hội mới để đầu cơ giá xuống đối với đồng Euro khi một quốc gia khác trong khu vực các nước sử dụng đồng Euro (Eurozone) là Bồ Đào Nha cũng đang có nguy cơ theo chân Hy Lạp bước vào khủng hoảng nợ công.

Một quốc gia khác trong khu vực các nước sử dụng đồng Euro là Bồ Đào Nha cũng đang có nguy cơ theo chân Hy Lạp

Giới đầu cơ tiền tệ bắt đầu nhận thấy cơ hội mới để đầu cơ giá xuống đối với đồng Euro khi một quốc gia khác trong khu vực các nước sử dụng đồng Euro (Eurozone) là Bồ Đào Nha cũng đang có nguy cơ theo chân Hy Lạp bước vào khủng hoảng nợ công.

Một điểm chung giữa Hy Lạp và Bồ Đào Nha là tỷ lệ tiết kiệm trong nước thấp, buộc chính phủ các nước này phải phụ thuộc vào nguồn vốn từ bên ngoài để bù đắp cho thâm hụt ngân sách khổng lồ, nhưng niềm tin của thị trường vào trái phiếu do Athens và Lisbon phát hành đang dần cạn kiệt.

Theo tờ New York Times, giữa lúc giới đầu tư bắt đầu chuyển sự chú ý sang Bồ Đào Nha, thì Hy Lạp ngày 15/4 đã tiến một bước gần hơn tới việc kích hoạt gói giải cứu trị giá 61 tỷ USD mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhất trí sẽ tung cho Athens. Thủ tướng Hy Lạp Georg A. Papandreou hôm 15/4 đã đề nghị đại diện của EU và IMF gặp gỡ lãnh đạo nước này tại Athens vào tuần tới.

New York Times cho biết, gói giải cứu mà EU và IMF đưa ra tuần trước, bao gồm hơn 40 tỷ USD từ EU và hơn 20 tỷ USD từ IMF, tới giờ vẫn chưa phát huy được tác dụng trấn an giới đầu tư như mong muốn trước đó. Lợi suất trái phiếu Hy Lạp kỳ hạn 10 năm hôm 15/4 lại tăng mạnh lên mức 7,3%, kém chút đỉnh so với mức 7,5% trước khi gói giải cứu trên được công bố. Lợi suất của trái phiếu 10 năm do Chính phủ Bồ Đào Nha phát hành cũng đang trên đà leo thang, chạm mốc cao 4,5% vào phiên giao dịch 15/4.

Bộ Tài chính Hy Lạp tuyên bố, đề nghị gặp gỡ với EU và IMF của Athens không đồng nghĩa với việc chính phủ nước này muốn kích hoạt cơ chế giải cứu. Tuy nhiên, động thái này vẫn khiến tỷ giá đồng Euro trượt giảm trước USD, từ mức 1 Euro tương đương 1,37 USD của phiên trước, về mức 1 Euro đổi được 1,35 USD.

New York Times bình luận, việc Athens lên lịch cho cuộc gặp với EU và IMF cũng cho thấy, dường như gói giải cứu dành cho Hy Lạp chẳng qua cũng chỉ giống như một miếng gạc băng lên một vết thương mãi chưa có dấu hiệu lành da.

Một số nhà phân tích cho rằng, trong dài hạn, việc giải cứu Hy Lạp có thể đem lại những ảnh hưởng bất lợi. Thay vì đem tới những mức lãi suất thấp và sự ổn định tâm lý cho thị trường, kế hoạch cứu trợ này có thể khiến giới đầu tư lo ngại về việc EU tiếp tục sẽ phải giải cứu những thành viên “ọp ẹp” khác, mà nhãn tiền là Bồ Đào Nha.

Ngoài ra, trong trường hợp Hy Lạp được vay vốn cứu trợ, thì Bồ Đào Nha có thể tự cho phép mình nới lỏng các biện pháp thắt lưng buộc bụng đã áp dụng trong thời gian gần đây. Lý do là, khi thấy Athens được cứu, Lisbon sẽ tin là họ cũng có thể được hưởng một gói cứu trợ tương tự với lãi suất “không đến nỗi nào” từ EU và IMF.

“Với tình hình này, sắp tới các chính phủ ở châu Âu sẽ còn chi tiêu bất cẩn hơn, sẽ xuất hiện nhiều mâu thuẫn chính trị hơn, và rốt cục một số nước có thể sẽ muốn rời khối Eurozone”, nhà kinh tế học Joachim Fels thuộc Morgan Stanley nhận xét trên New York Times.

Hy Lạp và Bồ Đào Nha là hai quốc gia hiện gặp nhiều rắc rối nhất về tài chính công trong số 16 nước sử dụng đồng Euro. Điểm chung nổi rõ nhất của hai nước này là nợ công chồng chất, sức cạnh tranh yếu, và tăng trưởng kinh tế trì trệ đã nhiều năm ròng.

Tuy nhiên, một yếu tố khác đóng góp không nhỏ vào khó khăn của Hy Lạp và Bồ Đào Nha nhưng ít người biết tới là tỷ lệ tiết kiệm thấp của hai quốc gia này. Với Hy Lạp, tỷ lệ tiết kiệm là 6% GDP, với Bồ Đào Nha, con số này là 7,5%. Trong khi đó, một số nước phát triển khác như Italy có tỷ lệ tiết kiệm 17,5% GDP, Tây Ban Nha 20%, Pháp 19%, Đức 23%...

Đối với Athens và Lison, mức tiết kiệm thấp đem tới rủi ro cao ở thời điểm hiện nay: nguồn vốn trong nước kém dồi dào, trong khi chi phí vay vốn mới từ thị trường trái phiếu leo thang, khả năng tăng thuế để có thêm tiền trả nợ cũng co hẹp vì các biện pháp thắt lưng buộc bụng đã được áp dụng từ trước.

Tỷ lệ nợ công so với GDP của Bồ Đào Nha hiện là 90%, thấp hơn mức 113% của Hy Lạp. Chính phủ Bồ Đào Nha cũng đã thực hiện những bước đi mang tính ngăn ngừa gồm cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Năm nay, Lisbon cần 24 tỷ Euro, tương đương gần 33 tỷ USD, để trả nợ đáo hạn, không nhiều như số tiền mà Athens cần. Hôm 14/4, Chính phủ Bồ Đào Nha cũng đã huy động được 2 tỷ Euro với lãi suất vừa phải từ thị trường trái phiếu.

Tuy nhiên, nhà phân tích Tim Lee thuộc công ty tư vấn pi Economics, có trụ sở ở bang Connecticut, cho rằng, chính tỷ lệ tiết kiệm của một quốc gia, thay vì tỷ lệ nợ công so với GDP của quốc gia đó, mới được xem là thước đo về khả năng chi trả nợ của nước đó. Nếu xét trên phương diện này, thì Hy Lạp và Bồ Đào Nha đang cùng đối mặt với thách thức không hề dễ hóa giải.

“Tỷ lệ tiết kiệm trong nước thấp cho thấy sự thật rằng, thâm hụt ngân sách của chính phủ khó có thể được bù đắp bằng các nguồn vốn nội địa. Do vậy, những nước này sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc vượt qua chiếc bẫy nợ nần”, ông Lee phát biểu với New York Times.

Chuyên gia này chỉ ra rằng, Hy Lạp và Bồ Đào Nha không phải là hai quốc gia duy nhất có mức tiết kiệm trong nước đáng ngại. Với tỷ lệ tiết kiệm so với GDP tương ứng lần lượt là 10% và 12%, Mỹ và Anh nằm trong số những nước có tỷ lệ tiết kiệm thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, là thành viên của khối Eurozone, Hy Lạp và Bồ Đào Nha không có được “quyền lợi xa xỉ” là in thêm tiền để giảm tỷ giá đồng nội tệ qua đó kích thích sự phục hồi kinh tế.

Việc sử dụng đồng tiền chung đã tác động bất lợi tới Bồ Đào Nha ở mức độ thậm chí còn mạnh hơn đối với Hy Lạp. Các nhà xuất khẩu của Bồ Đào Nha đã mất thị phần vào tay đối thủ cạnh tranh từ các quốc gia khác kể từ khi Lisbon gia nhập khối Eurozone vào năm 2000. Thực trạng này buộc Chính phủ Bồ Đào Nha phải vay vốn từ thị trường nước ngoài để bù đắp cho thâm hụt cán cân vãng lai, đẩy nợ công lên mức hiện nay.

Đáng ngại hơn nữa, không giống như Hy Lạp, Ireland, và Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha không được hưởng sự tăng trưởng kinh tế khả quan nhờ lãi suất thấp hồi đầu thập kỷ này. Thị trường nhà đất và tiêu dùng ở Bồ Đào Nha đã không có sự tăng trưởng bùng nổ như ở các nước khác trong thời gian đó, và do vậy, theo số liệu của ngân hàng Deutsche Bank, trong suốt 15 năm qua, GDP/đầu người của nước này đã không có sự cải thiện đáng kể nào.

Và như thế, theo các nhà phân tích, các chính trị gia ở Lisbon sẽ khó có thể thuyết phục được người dân và doanh nghiệp nước này hy sinh thêm để cải thiện tình trạng nợ công thông qua các biện pháp như cắt giảm thêm tiền lương ở khu vực công hay áp mức thuế cao hơn.

Mới đây, hãng định mức tính nhiệm Fitch Ratings mới đây đã đánh tụt hạng mức tín nhiệm nợ của Bồ Đào Nha vì nghi ngờ khả năng của Lisbon cắt giảm thâm hụt ngân sách từ mức 9% hiện nay. Tuần này, các nhà chức trách của châu Âu đã cảnh báo Bồ Đào Nha cần có thêm những biện pháp bổ sung để cắt giảm mức lạm chi này.

“Cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ là một quá trình dài và đầy gian khó đối với Bồ Đào Nha. Người ta nghi ngờ liệu nước này có thể đạt được mục tiêu hay không”, chuyên gia kinh tế Gilles Moëc thuộc ngân hàng Deutsche Bank phát biểu.
 

Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus