thegioiceo.com
Online 338 | Đăng nhập
Trung Quốc sẽ không chỉ là công xưởng của thế giới
14-04-2010  1981
3 yếu tố chính sẽ thay đổi Trung Quốc trong 5 năm tới là tăng trưởng tiêu dùng mạnh, xu thế dịch chuyển lao động giữa các vùng, thay đổi ngoạn mục tại nhà máy của Trung Quốc.

Người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu nhiều hơn, những thành phố nhỏ hút thêm nhiều lao động, nhà máy địa phương nâng cấp.

 

Tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc đang cố gắng thích nghi với tình hình mới.

 

Khi những lo sợ về khả năng kinh tế suy thoái lần 2 giảm bớt, các công ty đang cố gắng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những khu vực tiềm năng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc và một số thị trường mới nổi như Braxin hay Ấn Độ tăng. FDI đã tăng liên tiếp từ tháng 8/2009.

 

Tuy nhiên người đứng đầu các tập đoàn nên nhận ra những thay đổi đã diễn ra tại Trung Quốc trong thời kỳ khủng hoảng tài chính. Họ cần bỏ đi những hiểu lầm về kinh tế Trung Quốc và tính cách điều chỉnh công việc kinh doanh sao cho phù hợp.

 

Tiêu dùng tăng trưởng nhảy vọt

 

Trung Quốc không chỉ còn là công xưởng của thế giới. Thu nhập người dân tăng cao, tháng 3/2010, Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác trên thế giới nhiều hơn so với lượng hàng Trung Quốc bán ra các nước khác, thâm hụt thương mại ở mức 7,24 tỷ USD.

 

Trung Quốc đã trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới, tổng số lượng xe bán trong năm 2009 là 13,6 triệu, cao hơn con số 10 triệu tại Mỹ. Thị trường hàng xa xỉ Trung Quốc đứng thứ 2 trên thế giới, người tiêu dùng Trung Quốc tiêu thụ hàng xa xỉ với tổng giá trị 7,5 tỷ USD/năm.

 

Xu thế dịch chuyển nhân sự khỏi các thành phố cấp một và trung tâm sản xuất miền Nam

 

Ngoài việc tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh, còn hai xu thế khác sẽ phát triển mạnh tại Trung Quốc trong 5 năm tới mà giám đốc điều hành cao cấp các tập đoàn cần nhớ.

 

Thứ nhất, thay cho tìm việc làm tại trung tâm sản xuất ở miền Nam Trung Quốc hay thành phố cấp 1 như Thượng Hải, Bắc Kinh, người trẻ Trung Quốc đang tìm đến thành phố cấp 2 và cấp 3 như Vũ Hán, Hợp Phì, Thẩm Dương nơi họ có thể tìm được công việc tốt mà lại gần nhà.

 

Tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc thập kỷ qua có đóng góp lớn lao từ hàng triệu công nhân Trung Quốc trình độ công nghệ thấp sẵn sàng làm việc xa nhà trong nhiều tháng tại các nhà máy tại khu vực miền Nam Trung Quốc, chấp nhận lương thấp, sản xuất sản phẩm giá rẻ cho công ty hàng đầu như Nike, Apple.

 

Người trẻ Trung Quốc không còn nhiệt tình làm việc ở những nơi xa nhà, không có nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Khi số sinh viên tốt nghiệp hàng năm tăng từ 1 triệu lên 6 triệu chỉ sau 1 thập kỷ, càng khó để tìm được những người trẻ chấp nhận làm việc với mức lương thấp, xa nhà.

 

Cùng lúc đó, giá nhà tại thành phố cấp một như Bắc Kinh hay Thượng Hải ngày một đắt đỏ, thanh niên Trung Quốc muốn tìm đến thành phố cấp 2 như Hàng Châu hay Nam Kinh nơi chất lượng cuộc sống cao và các doanh nghiệp phát triển mạnh, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.

 

Sự phát triển mạnh mẽ của các tập đoàn nhà nước, công ty bất động sản và tập đoàn đa quốc gia tại các thành phố cấp một không mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người trẻ Trung Quốc.

 

Nhiều công ty đang chuyển trụ sở đến nơi chi phí sản xuất kinh doanh thấp hơn, người lao động trình độ cao sẵn có.

 

Applied Materials vào tháng 10/2009 đã mở trung tâm nghiên cứu năng lượng mặt trời tại Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc. Intel chuyển hoạt động từ Thượng Hải sang thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ở những thành phố cấp ba và cấp bốn này, thu nhập của người lao động tăng cao, cơ hội giúp các công ty nâng cao hiện diện trên thị trường cũng tốt hơn.

 

Các nhà máy cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu

 

Xu thế khác đang lên tại Trung Quốc là chất lượng và năng lực sản xuất của các nhà máy ngày một tốt hơn. Nhiều những người đứng đầu các nhà máy đang cố gắng chuyển từ chuyên sản xuất hàng gia công sang xây dựng thương hiệu riêng như hãng máy tính Đài Loan Acer và Asustek.

 

Lo ngại về chi phí nhân công tăng, đồng nhân dân tệ lên giá, nhà máy tại Trung Quốc hướng nhiều hơn đến xu thế tự động hóa. Các công ty tiết kiệm tốt chi phí và bán hàng trong thị trường nội địa hiệu quả.

 

Người tiêu dùng Mỹ, châu Âu và thậm chí chính người tiêu dùng Trung Quốc quay lưng với hàng Trung Quốc kém phẩm chất, nhà máy tại Trung Quốc buộc phải tăng cường giám sát và quản lý chất lượng. Mức độ cải thiện này mạnh đến mức một số công ty của Đức chuyển nhà máy sản xuất hàng cao cấp sang Trung Quốc. Điều này phần nào giúp Trung Quốc vượt Đức để trở thành nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất trên thế giới.

 

Nếu chi phí nhân công chiếm vị thế ưu tiên trong chiến lược kinh doanh của các công ty, họ nên tìm đến Việt Nam hay Bangladesh. Họ cần phải nhận ra rằng những đối tác trước đây sản xuất hàng cho họ đang sẵn sàng cạnh tranh với họ chính bằng thương hiệu chứ không chỉ giá cả.

 

Các công ty nên mở rộng tầm nhìn để đương đầu với thực tế Trung Quốc nay đã trở thành một thị trường lớn hơn là nguồn cung hàng xuất khẩu giá rẻ. Hoạt động sản xuất hàng chất lượng cao ngày một tăng trưởng. Ai nắm bắt được điều này sớm nhất, người đó nắm được bí quyết thành công. Trung Quốc đã thay đổi mạnh trong 5 năm qua, xu thế đó sẽ còn mạnh mẽ hơn trong 5 năm tới.

 

Ngọc Diệp
Theo Dân Trí/Businessweek


Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus