thegioiceo.com
Online 48 | Đăng nhập
Xin chào Intel mới, một Intel không còn phụ thuộc vào PC
28-09-2016  2633

CEO Brian Krzanich đã đưa ra 5 trụ cột mới cho Intel: điện toán đám mây, thiết bị kết nối, bộ nhớ, mạng viễn thông và sản xuất bán dẫn.

Intel vừa thông báo rằng họ đang chuyển trọng tâm phát triển từ PC sang những thứ rộng hơn. CEO Brian Krzanich đã đưa ra 5 trụ cột mới cho Intel: điện toán đám mây, thiết bị kết nối, bộ nhớ, mạng viễn thông và sản xuất bán dẫn. Đây sẽ là động lực tăng trưởng mới của Intel, là cách mới để hãng kiếm tiền, và cũng là sự thay đổi mang tính lịch sử đối với một công ty đã nhiều chục năm gắn bó với lĩnh vực PC. Chúng ta hãy xem thử việc chuyển đổi này có ý nghĩa như thế nào nhé.

Sự dịch chuyển lớn

Hầu hết thời gian trong lịch sử phát triển của mình, Intel chỉ tập trung làm vi xử lý. Nó là thứ được sử dụng trong rất nhiều máy tính trên thế giới, từ cái máy bàn, máy tính xách tay của bạn cho đến những chiếc server lớn hay siêu máy tính đắt tiền. Intel cũng nổi lên và kiếm được rất nhiều tiền nhờ vào những con CPU mà hãng bán cho hàng triệu máy tính từ đó đến giới. Intel Inside, Core i, Core 2... là những thương hiệu vô cùng quen thuộc với người dùng và doanh nghiệp trong lĩnh vực điện toán.

Nhưng hãng không thể tiếp tục mãi bám víu vào chỉ 1 thứ duy nhất. Trong khoảng 5 năm trở lại, thị trường PC lao dốc không phanh. Windows 8 rồi Windows 10, rồi vi xử lý Haswell, Skylake cũng không đủ sức cứu lại một mảnh đất đã từng hái ra hàng núi tiền cho Intel. Tất nhiên, công ty thấy rõ điều đó và bắt đầu chuyển trọng tâm sang những thứ mới hơn, hot hơn và có tiềm năng nhiều hơn. Thực chất Intel đã bắt đầu động thái dịch chuyển này từ 3 năm trước, điển hình là hãng đã làm và bán chip di động, modem 3G / 4G hay bộ xử lý cho wearable nhưng mãi đến hôm nay công ty mới chính thức công bố ra cho mọi người biết.

Những thay đổi này của Intel có thể được nhìn thấy rất rõ tại hội nghị Intel Developer Forum vào tháng 8 năm ngoái. CEO Krzanich khi đó chỉ nói rất ít về CPU Skylake, thay vào đó ông tập trung nói về những sản phẩm của Intel dành cho Internet of Things.

Xin chào Intel mới, một Intel không còn phụ thuộc vào PC - hình ảnh 1

 

Đặt đám mây lên hàng đầu

Giờ đây, Intel bắt đầu thay đổi một cách mạnh mẽ, và hãng dường như đang định hướng bản thân giống như Microsoft: cũng đặt cloud và các thiết bị kết nối lên hàng đầu. Theo lời CEO Krzanich thì "Chúng tôi đang hướng mình theo việc mở rộng mảng kinh doanh và thực thi chúng một cách tốt hơn. Bằng cách này, chúng tôi sẽ tạo ra những giá trị kéo dài cho khách hàng, cho đối tác và cho cổ đông, đồng thời đạt được mục tiêu dẫn dắt thế giới thông minh và kết nối mạnh mẽ hơn".

Với những doanh nghiệp kinh doanh đám mây, Intel có thể dễ dàng bán cho họ những con CPU Xeon giá lên đến cả nghìn đô. Mà thường các doanh nghiệp dạng này đâu chỉ mua 1 con chip, họ mua một lần cả chục thậm chí cả trăm con để trang bị cho hệ thống toàn thế giới. So với việc bán từng CPU lẻ cho người dùng thì mô hình kinh doanh hướng vào các doanh nghiệp rõ ràng mang lại nhiều tiền hơn. HP, Dell, Lenovo cũng đã áp dụng chiến lược tương tự để tối ưu hóa lợi nhuận rồi đấy thôi.

Xin chào Intel mới, một Intel không còn phụ thuộc vào PC - hình ảnh 2

 

Intel không chỉ bán chip, hãng có thể phát triển các giải pháp khác để dùng cho doanh nghiệp đám mây, chẳng hạn như các đường kết nối giữa server với nhau, giải pháp lưu trữ, hệ thống phần mềm quản lý, giải pháp ảo hóa và còn rất nhiều thứ khác mà đôi khi chúng ta thậm chí còn chưa tưởng tượng ra. Với tiềm lực về tài chính và kĩ thuật cực mạnh, Intel đang nắm trong tay đủ nguồn lực để tạo ra những thay đổi lớn trong lĩnh vực đám mây.

Đưa PC vào một thế giới lớn hơn: thiết bị kết nối

Trụ cột thứ 2 của Intel xoay quanh những món đồ được kết nối. Có rất nhiều thứ hiện nay được kết nối mạng, từ điện thoại tablet, PC, đồng hồ thông minh, thiết bị theo dõi sức khỏe, cảm biến môi trường, đồ gia dụng thông minh, TV, máy ATM, dây chuyền công nghiệp... Tất cả những thứ này muốn vận hành được thì phải có một bộ điều khiển trung tâm, và Intel muốn trở thành bộ não đó. Theo lời Krzanich thì "Ở Intel, chúng tôi tập trung vào xe tự hành, thiết bị công nghiệp và bán lẻ như là những động lực phát triển của Internet of Things."

Lúc này Intel vẫn bán CPU, tuy nhiên trọng tâm của cả công ty giờ không chỉ có PC mà còn có rất nhiều loại thiết bị khác nữa. Suy nghĩ của việc nghiên cứu và phát triển không còn là "làm ra những con chip PC tốt nhất", thay vào đó sẽ là "làm ra con chip tất nhất cho các thiết bị kết nối". Định hướng này sẽ giúp các kĩ sư của công ty làm tốt hơn công việc của mình, các lãnh đạo cấp cao thì suy nghĩ rộng ra hơn so với một Intel của thập kỉ trước, việc bán hàng, marketing cũng theo đó mà thay đổi theo hướng mở rộng hơn bao giờ hết. Hình ảnh Intel khi đó sẽ không đi liền với cái thùng máy mà chúng ta hay thấy nữa, nó sẽ phong phú hơn nhiều lắm.

Xin chào Intel mới, một Intel không còn phụ thuộc vào PC - hình ảnh 3

 

Tính đến thời điểm này, Intel cũng đã có khá nhiều sản phẩm dành cho những thiết bị dạng này, ví dụ như chip Atom hay bộ vi điều khiển Quark chẳng hạn. CPU Atom cũng đã được đem vào đồng hồ Android Wear, đem vào tai nghe, drone, ở Việt Nam có doanh nghiệp còn xài chip này để vận hành trang trại trồng rau thông minh của mình. Chưa kể trong tương lai rất gần thôi xe tự hành sẽ bùng nổ, lúc đó việc một chiếc xe có "Intel Inside" là rất có khả năng xảy ra. Bằng những ví dụ này, chúng ta có thể thấy rằng thị trường mà Intel đang nhắm tới rất lớn, rất có tiềm năng và hiện chỉ mới đang ở những ngày đầu phát triển mà thôi.

Intel và kết nối 5G

Chúng ta chưa rõ Intel sẽ dồn sức cho vi xử lý di động như thế nào để có thể cạnh tranh với Qualcomm, ARM, Samsung, MediaTek và nhiều cái tên khác đang nổi. Tuy nhiên, thứ mà chúng ta biết rất rõ đó là công ty sẽ dành rất nhiều tiền để đầu tư cho việc làm ra các bộ điều khiển thiết bị viễn thông, từ chip mạng di động gắn trong điện thoại, chip Wi-Fi Bluetooth cho đến hệ thống điều khiển router. Intel hiện đang cung cấp khá nhiều chip modem dùng cho nhiều thiết bị di động và wearable khác nhau. Hãng cũng lên kế hoạch gắn modem trực tiếp vào SoC di động để tiết kiệm pin hơn và tiết kiệm không gian hơn.

Xin chào Intel mới, một Intel không còn phụ thuộc vào PC - hình ảnh 4

Trong tương lai sắp tới kết nối 5G sẽ bùng nổ và Intel rất khôn ngoan khi chọn mục tiêu cho mình là đây. Bằng việc chuẩn bị dần dần từ đây đó đến, Intel sẽ trong tư thế sẵn sàng để cung cấp chip ngay vào thời điểm 5G bắt đầu xuất hiện phổ biến trên toàn thế giới, Hiện tại Qualcomm cũng đang rất nỗ lực nghiên cứu và phát triển các thứ liên quan tới 5G nhằm chuẩn bị cho tương lai này.

Bộ nhớ

Mọi thứ đều cần bộ nhớ, cụ thể hơn là bộ nhớ thể rắn. HDD dường như đã là thời của quá khứ rồi, bạn không thể nào đem HDD vào những thiết bị nhỏ gọn nữa. Chỉ có SSD và những con chip flash nói chung mới có khả năng đó. Intel lại nắm trong tay công nghệ chip nhớ xịn, vậy thì chuyện đánh mạnh mảng bộ nhớ là điều đương nhiên. SSD Intel cũng đang được sử dụng trong rất nhiều hệ thống server của các công ty lớn nhằm tạo ra một môi trường hoạt động hiệu năng cao.

Trong số những công nghệ quan trọng mà Intel đang phát triển liên quan đến bộ nhớ thì có 3D XPoint (đọc: "cross point") là đáng chú ý nhất. Đây là một loại bộ nhớ có tốc độ tối đa cao hơn 1000 lần và bền hơn nhiều so với chip NAND Flash đang được xài phổ biến hiện nay. 3D XPoint thuộc loại non-volatile, tức là khi ngắt điện dữ liệu sẽ không bị mất nên có thể dùng làm chip nhớ cho các ổ SSD thế hệ mới hay làm bộ nhớ trong cho smartphone, tablet. Tuy nhiên nó vẫn đủ nhanh để dùng làm RAM, và thực tế thì 3D XPoint có mật độ lưu trữ cao hơn gấp 10 lần so với DRAM.

Xin chào Intel mới, một Intel không còn phụ thuộc vào PC - hình ảnh 5

 

 

Trong tương lai một bộ nhớ 3D XPoint có thể vừa dùng để làm RAM vừa dùng làm SSD nên không cần xài 2 loại bộ nhớ riêng nữa. Hãy thử tưởng tượng các thiết bị kết nối như smartwatch hay dụng cụ đo sức khỏe chẳng hạn, do chỉ xài một bộ nhớ duy nhất nên nhà sản xuất có thêm không gian trống để đặt những tính năng mới vào, hoặc chỉ đơn giản là tăng dung lượng pin lên cao hơn. Tất cả những lợi ích đó lại đi kèm với việc giảm chi phí sản xuất, quá tuyệt vời.

Sản xuất bán dẫn: trụ cột cho tất cả

Tất cả những trụ cột nói trên đều không thể tồn tại nếu không có việc sản xuất bán dẫn. Đây là một ngành công nghiệp không hề dễ dàng, và cái tên nổi nhất thì hẳn là Intel rồi. Vậy nên, hãng dự tính sẽ tiếp tục tối ưu hóa việc sản xuất chip của mình theo hướng đạt hiệu quả cao hơn, chi phí thấp hơn và hiệu năng của chip cũng phải tăng lên. Intel là hãng đi đầu trong việc làm ra các con chip 20nm rồi 14nm, sắp tới sẽ là 10nm và 7nm.

Tuy nhiên, Intel hiện đang gặp khó khăn với việc tuân theo định luật Moore, gần đây hãng đã phải tăng chu kì ra mắt CPU của mình lên thành 3 pha thay vì 2 như trước. Mọi thứ đang tiến gần hơn đến giới hạn vật lý, giới hạn kích thước của một nguyên tử. Intel sẽ phải giải quyết được những thách thức về mặt kĩ thuật này để có thể tiếp tục là một trong những công ty bán dẫn lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới.

Tham khảo: PCWorld, Barrons


Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus