thegioiceo.com
Online 477 | Đăng nhập
Bất ổn về tỷ giá phải được giải quyết từ thị trường vàng
05-12-2010  3484
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh như trên khi nói về các giải pháp ngắn và dài hạn nhằm ổn định thị trường tiền tệ hiện nay.
- Thưa ông, cần có kế sách gì để ổn định tỉ giá, góp phần đưa lãi suất đi xuống trong thời gian tới?

PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Trước mắt, những bất ổn về tỉ giá phải được giải quyết từ thị trường vàng. Nhà nước nên xem vàng là ngoại tệ. Ngân hàng (NH) thương mại được phép xuất nhập khẩu vàng, tức là tự do chuyển đổi vàng sang ngoại tệ và ngược lại, đồng thời được phép mở lại tài khoản giao dịch vàng với nước ngoài để phòng ngừa rủi ro. Còn các đơn vị sản xuất vàng nữ trang sẽ mua vàng từ các NH thương mại. Khi đó, các NH thương mại sẽ chuyển hóa được hàng chục tấn vàng mà người dân gửi tiết kiệm thành vốn cho nền kinh tế. Cơ quan quản lý không phải quan tâm đến việc nhập lậu, cấp phép xuất nhập khẩu vàng... vốn thường tạo áp lực tăng tỉ giá.

Mặt khác, NH Nhà nước nên sử dụng NH NN-PTNT (Agribank) - đơn vị sở hữu thương hiệu vàng AAA - điều tiết thị trường vàng bằng cách trang trải chi phí cho Agribank để NH này mạnh tay nhập khẩu vàng rồi tung ra thị trường, đưa giá vàng trong nước ngang bằng với giá vàng thế giới, góp phần ổn định tỉ giá ở mức như NH Nhà nước mong muốn. Từ đó, thị trường ngoại tệ sẽ bình ổn, giá cả hàng hóa sẽ ổn định theo, tăng niềm tin của người dân đối với VNĐ, tạo cơ hội cho lãi suất đi xuống.
 
- Về lâu dài, chúng ta có cần xem lại các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tính hiệu quả của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài?
 
Để kinh tế vĩ mô bền vững, Chính phủ cần phải có những chính sách thích ứng với tình hình thực tế. Các chính sách về tài chính, tiền tệ, thu hút đầu tư nước ngoài phải chỉnh sửa phù hợp với tình hình mới, nhất là xem xét lại hiệu quả của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Một trong những nguyên nhân làm tình trạng nhập siêu kéo dài trong nhiều năm là vốn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) bằng USD dưới dạng “tiền tươi thóc thật” rất ít. Số còn lại thực chất là giá trị công nghệ và VNĐ mà nhà đầu tư nước ngoài vay trong nước nhưng được tính bằng ngoại tệ. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) FDI lại chuyển lợi nhuận về nước bằng USD... Không có lý do gì khi nước ta đã có 25 năm hướng tới xuất khẩu song nhập siêu mỗi năm vẫn trên 10 tỉ USD...

- Theo ông, cơ chế chính sách có nên ưu tiên cho xuất khẩu nông sản?
 
Là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, VN cần tập trung xây dựng chiến lược dài hơi về xuất khẩu nông - thủy sản để thu ngoại tệ. Do đó, cơ chế chính sách nên ưu tiên các ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu như gạo, hạt điều, tiêu, cà phê, cá tra, cá basa..., vì đây là nguồn thu ngoại tệ chính của VN. Ngoài ra, các cơ quan quản lý còn phải xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế hàng hóa nông sản từ Trung Quốc vào VN nếu không nông dân của VN sẽ thua ngay trên sân nhà.

TS Đinh Sơn Hùng, phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM: Ưu tiên kéo lạm phát xuống
 
Lâu nay, tồn tại 2 loại giá USD là giá theo thị trường và giá trong NH (giá USD quản lý). Diễn biến giá USD và tỉ giá hối đoái hiện không bình thường, gây khó khăn cho DN nhập khẩu. Theo tôi, việc trước mắt là cần đưa giá USD về gần giá thị trường để giải tỏa khó khăn cho cả NH và DN. Về việc DN khó tiếp cận nguồn vốn để tổ chức sản xuất kinh doanh dịp cuối năm, hiện lạm phát tăng cao, nguyên tắc là lãi suất cho vay phải cao hơn lạm phát nên rất khó để thiết lập lại lãi suất.
 
Muốn giải quyết những vấn đề này, tháo gỡ những vướng mắt về tiền tệ cho DN, về lâu dài, Nhà nước cần nâng cao hiệu quả nền kinh tế và kéo lạm phát xuống. Trước mắt, có thể ưu tiên cho việc nhanh chóng kéo lạm phát xuống thông qua chính sách tài chính, tiền tệ thắt chặt. Tuy nhiên, từ nay đến Tết, giải pháp này khó có thể phát huy được hiệu quả. Ngoài ra, cần phải lưu ý đến tính hai mặt của vấn đề: Nếu siết tài chính, tiền tệ quá chặt thì các nhà đầu tư sẽ không đầu tư nữa và hệ quả là nền kinh tế có thể lâm vào suy thoái. 

TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Tăng lãi suất trên thị trường mở
 
Lãi suất cao sẽ dẫn đến tiêu dùng và đầu tư ít đi, người dân sẽ gửi tiền vào NH nhiều hơn. Giải pháp tiền tệ quan trọng để chống lạm phát hiện nay là tăng lãi suất. Không chỉ tăng lãi suất huy động và cho vay ở các NH thương mại mà đòi hỏi NH Nhà nước phải tăng các loại lãi suất trên thị trường mở (địa chỉ để các NH thương mại thế chấp các loại giấy tờ có giá vay vốn từ NH Nhà nước), ổn định lãi suất thị trường liên NH (lãi suất vay vốn NH bạn). Vì nếu để lãi suất thấp trên thị trường mở sẽ dẫn đến tình trạng các NH lớn lợi dụng vay vốn rẻ rồi cho các NH nhỏ vay lại với lãi suất cao. Điều này dẫn đến vốn giá rẻ trở thành không rẻ và khi đến tay DN sẽ cao.
 
Nếu không có cơ chế đặc thù cho phép NH Nhà nước bơm vốn rẻ đến một số NH cần vốn thì việc đưa mức lãi suất trên thị trường mở cao hơn sẽ triệt tiêu việc “làm giá” về lãi suất giữa các NH. Thông qua việc tăng lãi suất trên thị trường mở, NH Nhà nước sẽ phát đi dấu hiệu thắt chặt tiền tệ nhưng sẵn sàng cung ứng vốn bảo đảm thanh khoản cho các NH nhỏ khi có nhu cầu.


 
Theo NLĐ

 


Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus