thegioiceo.com
Online 53 | Đăng nhập
Công nghiệp da giày: Đổi mới để phát triển
12-07-2010  6028
Công nghiệp da giày của Việt Nam đang có những bước phát triển khá ấn tượng và đứng vị trí thứ ba về kim ngạch xuất khẩu của cả nước (sau dệt may, dầu thô) với kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt 4,767 tỷ USD. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2010 sẽ đạt 5,57 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng nhưng còn nhiều khó khăn

 

Hiện sản phẩm da giày của Việt Nam đã xuất khẩu sang 50 nước với các chủng loại như giày thể thao, giày vải, giày da nam, nữ và dép các loại. Tính đến hết tháng 6/2010, kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành da giày xuất khẩu đang phải đối mặt với không ít khó khăn để duy trì sản xuất và đảm bảo chỉ tiêu về đích với kim ngạch trên 5 tỷ USD trong năm 2010.

 

Theo đánh giá của Hiệp hội da giày TP.HCM, trong năm 2010 ngành da giày cả nước đã có những dấu hiệu phục hồi với sự gia tăng và ổn định đơn hàng ở hầu hết các thị trường trọng điểm. Trong đó, tập trung phần lớn vẫn là thị trường EU với 807 triệu USD tăng 0,4% (chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước), tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ đạt 501 triệu USD tăng 12,7%, Nhật Bản 63 triệu USD tăng 22,5%, Mexico 61,6 triệu USD tăng 17,1%.

Mặc dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn vì thiếu đơn hàng nhưng ngành da giày xuất khẩu lại đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó khó khăn lớn nhất là sự thiếu hụt lao động trầm trọng tại hầu hết các doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát mới đây của Hội da giày TP.HCM, gần như tất cả các doanh nghiệp da giày xuất khẩu đều thiếu từ 200 đến 300 lao động, thậm chí có doanh nghiệp thiếu đến 500 lao động. Đây được coi là hệ lụy của tình trạng thiếu đơn hàng từ năm ngoái, khi các doanh nghiệp lâm vào tình cảnh thiếu việc làm và không đủ chi phí để giữ công nhân.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đơn hàng xuất khẩu nhiều nhưng ngành da giày vẫn không thu hút được công nhân là do giá gia công thấp và việc biến động giá ngoại tệ trong thời gian gần đây đang ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận vốn đã ít ỏi của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc gia hạn thuế chống bán phá giá lên giày mũ da tại thị trường EU và không được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) luôn là yếu tố khiến cho các doanh nghiệp bị nhiều khách hàng lợi dụng ép giá trong quá trình giao dịch.

Không chỉ thiếu hụt lao động, nguồn nguyên phụ liệu cũng đang là một thách thức lớn của ngành da giày khi phần lớn nguyên liệu còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Đã có không ít dự án xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu cho ngành da giày được đề xuất nhưng phần lớn vẫn còn nằm trên giấy, một vài dự án hiếm hoi đã triển khai thực hiện nhưng lại không phát huy được hiệu quả do kinh phí đầu tư vượt qua khả năng của các doanh nghiệp.

Loay hoay tháo gỡ

 

Hiệp hội da giày TP.HCM cho rằng, trước tình trạng thiếu lao động trầm trọng như hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành tạm thời phải đối phó bằng hình thức tăng ca để đảm bảo công suất, đáp ứng các đơn hàng đã ký. Hội Da giày cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc làm cầu nối giúp phân bổ lại đơn hàng giữa các doanh nghiệp nhưng vẫn không cải thiện được tình hình thiếu lao động đang là khó khăn chung của hầu hết các doanh nghiệp.

 

Đồng thời hội cũng hướng cho các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu qua các thị trường Mỹ, Nhật, châu Phi để tăng thêm kim ngạch từ nay tới cuối năm.

Còn theo ông Nguyễn Văn Khánh- Tổng thư ký Hội da giày TP.HCM- thì các doanh nghiệp cần phải coi việc đào tạo nghề như một hình thức giữ chân người lao động. Đào tạo lao động lành nghề, rút ngắn thời gian thử việc cũng được coi là một giải pháp giúp người lao động gắn bó hơn với công việc và công ty của mình. Ngoài ra, ông Khánh nhấn mạnh, ngành da giày phải đẩy mạnh đầu tư vào khâu thiết kế.

Đây là điểm yếu nhất của ngành da giày xuất khẩu Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho ngành da giày của nước ta mặc dù luôn đứng đầu trong top 10 nước xuất khẩu da giày hàng đầu thế giới nhưng dù đã trải qua ¼ thế kỷ vẫn chỉ làm gia công. Theo ông Khánh, việc nâng cao trình độ thiết kế sẽ giúp các doanh nghiệp làm ra những sản phẩm mới có mẫu mã cạnh tranh, đó mới chính là lợi thế giúp các doanh nghiệp tăng giá thành, tăng lợi nhuận trên cơ sở đó nâng cao thu nhập cho người lao động.

Ngoài ra, để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới, ngành da giày Việt Nam đang từng bước điều chỉnh cơ cấu ngành, đổi mới máy móc thiết bị, chú trọng sản xuất các sản phẩm trung và cao cấp, các loại giày da, cặp túi xách thông dụng và thời trang, tập trung quản lý và thiết kế mẫu sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Đồng thời rất nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng đã âm thầm xây dựng những dây chuyền sản xuất hiệu quả, những nhà xưởng sản xuất được điều hành rất bài bản, chuyên nghiệp, biết ứng dụng nhiều biện pháp quản lý hiện đại như ISO 9000, sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing), quản lý chất lượng toàn diện (Total Quality Management - TQM) hoặc 6 Sigma… để có năng suất cao và chất lượng ổn định.

Nguồn NOIT

 


Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus