Sẽ nghiên cứu bỏ trần lãi suất
Theo Thống đốc, từ ngày 13/3, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 15%/năm xuống 14%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 16%/năm xuống 15%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 13%/năm xuống 12%/năm.
Đồng thời, giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tối đa tiền gửi từ 1 tháng trở lên giảm từ 14%/năm xuống 13%/năm. Đối với Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở, lãi suất tiền gửi từ 1 tháng trở lên giảm từ 14,5%/năm xuống 13,5%/năm.
Thống đốc cho biết, đáng lẽ, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất sớm hơn, tức vào ngày 20/2 vừa qua nhưng vì nhà điều hành muốn để thị trường vận động trước và Ngân hàng Nhà nước điều hành sau theo hướng hỗ trợ để tránh việc áp đặt, có thể gây nên những tác dụng phụ không mong muốn.
Trên thực tế, trước khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định trên, rất nhiều ngân hàng thương mại quy mô lớn đến nhỏ có tình hình tài chính lành mạnh đều giảm lãi suất đối với những gói tín dụng lớn nằm trong các nhóm ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra, nếu trước đây, ngân hàng thương mại luôn trưng biển lãi suất huy động 14%/năm đối với VND và 2%/năm đối với USD thì nay, đã xuất hiện niêm yết lãi suất huy động với nhiều mức khác nhau, tương ứng với kỳ hạn huy động; chẳng hạn, lãi suất huy động 1 tháng chỉ ở mức 12% - 13%/năm.
Trong trào lưu chung như vậy, kết hợp với đánh giá tình hình vĩ mô đang dần ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng từng bước chuyển biến tích cực, Ngân hàng Nhà nước coi đó là thời điểm thuận lợi để giảm lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nếu diễn biến thị trường tiếp tục thuận lợi như thời gian vừa qua, sẽ nghiên cứu phương án bỏ trần lãi suất.
Cũng theo Thống đốc, việc giảm lãi suất đầu vào sẽ mang lại hiệu ứng tích cực đối với lãi suất tiền vay. Theo đó, khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện hạ lãi suất chủ chốt, sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có được nguồn vốn giá rẻ và dồi dào hơn để họ hạ lãi suất tiền vay.
Tại thời điểm 7/9/2011, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thiết lập trần lãi suất tiền gửi 14%/năm và dự kiến lãi suất tiền vay khoảng 17% - 19% và nay, khi lãi suất tiền gửi giảm còn 13%/năm thì về mặt số học đơn thuần, lãi suất tiền vay có thể dao động trong khoảng 16% - 18%.
Nhưng, với điều kiện kinh tế vĩ mô đang theo chiều hướng tốt, cung cầu vốn dồi dào, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, mặt bằng lãi suất tiền vay sẽ dao động trong khoảng 14,5% - 16%/năm. Với mức lãi suất này thực tế là thấp so với trước đó nhưng so với năng lực chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam thì vẫn còn cao.
“Để có thể hạ lãi suất hơn nữa, cả nước cần tiếp tục đồng thuận tìm mọi cách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát như thời gian qua. Nếu trung bình mỗi quý, lạm phát giảm 1% thì sau vài quý nữa, việc quy định trần lãi suất sẽ không cần thiết nữa. Mọi hoạt động huy động vốn, cho vay đều trên cơ sở thỏa thuận”, Thống đốc nói.
Sẽ ổn định được lạm phát lõi
Một vấn đề được nhiều người quan tâm là: trong bối cảnh tăng giá điện, xăng dầu, việc giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kiềm chế lạm phát?
Theo Thống đốc, kể cả khi tăng giá các mặt hàng năng lượng như vừa triển khai thì như Bộ Tài chính đã tính toán: nếu giá năng lượng tăng 10% thì ảnh hưởng lên lạm phát cả năm là 0,84% và trước mắt chỉ 0,24% thì mức đó sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến kiểm soát lạm phát.
Mặt khác, lạm phát ở Việt Nam gồm 3 cấu phần lớn mà đầu tiên là cấu phần điều hành tài khóa tiền tệ và trong suốt 20 năm qua, chúng chiếm trung bình một nửa chỉ số lạm phát. Ví dụ, lạm phát 2011 khoảng 18,85% thì lạm phát lõi biến động khoảng 9% - 9,5%; phần còn lại phụ thuộc vào 2 yếu tố khác là giá cả bên ngoài thông qua tỷ giá có tác động đến giá cả trong nước và điều hành giá cả trong nước mà chủ yếu là giá lương thực phẩm.
Thống đốc cho rằng, điều hành giá năng lượng thì theo Nghị định 84 của Chính phủ, giá thế giới biến động đến đâu, trong nước phải theo đến đấy. Và như vậy, phần còn lại có thể ảnh hưởng đến lạm phát chủ yếu là giá lương thực phẩm.
2011 được coi là năm được mùa và theo tính toán của nhiều bộ ngành, năm 2012 tiếp tục duy trì đà này. Đó là những tiền đề để ổn định giá lương thực phẩm, cộng với điều hành tài khóa, tiền tệ được phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ với nhau, rất có thể, lạm phát lõi sẽ giảm xuống, góp phần kiểm soát tốt lạm phát năm nay.
Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là “kê cao gối để ngủ”, hoạt động điều hành cần tiếp tục thận trọng, cảnh giá với giá cả biến động trên thế giới để có biện pháp đối phó kịp thời.
Ông Bình cho biết thêm, trong trường hợp lạm phát tiếp tục gia tăng trong những tháng tới, mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa thể theo đuổi chính sách tiền tệ lấy lạm phát làm mục tiêu nhưng sẽ điều hành theo tín hiệu thị trường.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ tạm thời coi mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ năm nay dưới 10% để hướng chính sách tiền tệ theo hướng đó. Có nghĩa, nếu xu hướng lạm phát tăng lên một cách ổn định thì lãi suất điều hành sẽ tăng lên và ngược lại. Tuy nhiên, qua phân tích vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, kể cả khi diễn biến kinh tế thế giới có nhiều bất lợi thì khả năng này ít xảy ra.
Trong ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước vừa kết thúc phiên làm việc với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tổ chức này đã đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, nhất là khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm của thế giới đã nâng thêm một bậc tín nhiệm cho Việt Nam. IMF cũng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay là 5,5% - 6% và lạm phát từ 9% - 9,5%. Và đó là những cơ sở để nói rằng, lạm phát trong năm nay không thực sự đáng lo ngại.