thegioiceo.com
Online 47 | Đăng nhập
Mai Kiều Liên – TGĐ Công ty Cổ phần Sữa VINAMILK Việt Nam
20-10-2018  3954
Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) trở thành người phụ nữ điều hành doanh nghiệp nhà nước đầu tiên cổ phần hóa đạt mức doanh thu tỉ USD, đưa Vinamilk trở thành một thương hiệu lớn, lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất tại khu vực châu Á.

Bà được tạp chí Forbes vinh danh  là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á với lời ca ngợi: “Vị giám đốc điều hành năng động này đã biến Vinamilk trở thành một trong những doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Xây dựng Vinamilk không những trở thành một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn được kính trọng trên khắp châu Á”.

Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên (sinh năm 1953) sinh ra và lớn lên ở Pháp. Dưới thời Liên Xô cũ, bà sang Moscow học ngành chế biến sữa. Năm 1976, sau khi lấy được tấm bằng kỹ sư, bà trở về Việt Nam với mong muốn được cống hiến tài năng và sức trẻ cho Tổ quốc.

Được đào tạo ở Nga về chuyên ngành sữa nên tiếp cận rất nhanh và phát huy tốt sở trường, đây chính là lợi thế của bà Mai Kiều Liên khi là đầu tàu của thương hiệu sữa Việt Nam. Trở về quê hương, bà làm việc cho Công ty sữa và cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk, và có nhiều đóng góp trong việc hiện đại hóa doanh nghiệp này của Việt Nam. Từ công việc ban đầu là kỹ sư, bà Mai Kiều Liên lên chức Trưởng ca, rồi Phó Giám đốc Kỹ thuật, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh tế và đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay. Năm 2003, khi Vinamilk được cổ phần hóa, bà kiêm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Từng ấy năm công tác và lãnh đạo, nữ doanh nhân Mai Kiều Liên đã có nhiều đóng góp to lớn giúp Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong nước và có vị thế trên thị trường quốc tế. Đồng thời, Vinamilk cũng tiên phong trong việc đáp ứng nhu cầu sữa của người Việt và phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành sữa Việt Nam. Chính vì thế mà tạp chí Forbes đã đề cao rằng: “Doanh nhân Mai Kiều Liên không những đã xây dựng Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn được kính trọng trên khắp châu Á”.

Trong chiến lược sản xuất, bà Mai Kiều Liên luôn hướng đến mục tiêu Vinamilk phải tìm ra những sản phẩm mới có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng để có thể chiếm lĩnh thị trường. Và thực tế đã chứng minh, năm 1993, khi lần đầu tiên Vinamilk tung ra thị trường sản phẩm sữa chua và kem đã ngay lập tức tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với người tiêu dùng, đến mức có người đã ví von rằng: “Việt Nam đã qua thời bao cấp nhưng có hai thứ vẫn phải “xếp hàng”, đó là đứng chờ công chứng giấy tờ và đi mua kem - sữa chua của Vinamilk”.

Hoặc như việc năm 1987 Vinamilk đầu tư xây dựng Nhà máy Dielac, nhà máy sữa bột đầu tiên tại Việt Nam, cũng đã nhanh chóng thành công. Thời gian đầu người tiêu dùng chưa tin lắm vào sản phẩm Dielac vì đã quen sử dụng sữa bột ngoại, nhưng đến nay, sữa bột trẻ em của Vinamilk đã chiếm khoảng 30% thị phần trong nước và mục tiêu tiếp theo là 50% thị phần. Hiện doanh số xuất khẩu từ sữa bột trẻ em Dielac của Vinamilk luôn đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Sau gần 40 năm gắn bó và hơn 20 năm ở cương vị giữ cương vị Tổng giám đốc Vinamilk, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam đã đưa Vinamilk trở thành một thương hiệu lớn, lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình dương từ năm 2010. Và đang hiện thực hóa tham vọng đưa Vinamilk đạt doanh thu 3 tỷ USD, nằm trong top 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017.

Trở thành một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, có thể nói bà Mai Kiều Liên đã tự hào sánh vai với các nữ lãnh đạo của những tập đoàn nổi tiếng trên thế giới như HSBC, Singapore Telecom, Temasek, Morgan Stanley, Huyndai, Nomura, JP Morgans, Horizons Ventures; trong đó có người giàu nhất nước Úc là bà Gina Rinehart, trùm khai thác mỏ ở Perth và bà Hyun Jeong-Eun, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc.

Dưới sự chèo lái của bà, thị trường xuất khẩu của Vinamilk đã vươn tới 31 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, kể từ khi niêm yết vào năm 2006, cổ phiếu của Vinamilk luôn được xem là cổ phiếu blue-chip (cổ phiếu của những công ty hàng đầu, luôn nhận được nhiều sự quan tâm nhất của giới đầu tư chứng khoán) trên thị trường chứng khoán, bởi không chỉ vì doanh nghiệp này có quy mô vốn lớn, thương hiệu uy tín mà còn vì kết quả kinh doanh luôn tăng trưởng tốt, hiệu quả hoạt động cao.

Bà Mai Kiều Liên bày tỏ mong muốn đưa Vinamilk trở thành tập đoàn đa quốc gia và lọt vào top 50 doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 với doanh thu 3 tỷ USD/năm. Bên cạnh đó, để ngành công nghiệp chế biến sữa phát triển bền vững, Vinamilk luôn cố gắng chủ động được nguồn sữa nguyên liệu đạt về số lượng và chất lượng. Từ năm 2006, Vinamilk đã bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa một cách trực tiếp thông qua xây dựng các trang trại nuôi bò sữa công nghiệp với tổng vốn khởi điểm là hơn 500 tỷ đồng và hiện nay đã tăng đến 1.600 tỷ (năm 2013).

Tính đến thời điểm 2017 Vinamilk có 5 trang trại ở Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng. Trong kế hoạch năm 2014 -2015, thêm 4 trang trại quy mô lớn đang được Vinamilk xây dựng và đưa vào hoạt động như các trang trại Thống Nhất (Thanh Hóa), Như Thanh (Thanh Hóa), Hà Tĩnh và Tây Ninh. Trong giai đoạn 2014 – 2016, Vinamilk dự kiến sẽ tiếp tục nhập bò giống cao sản từ các nước Úc, Mỹ để đáp ứng cho nhu cầu con giống của các trang trại mới.

Hiện nay, tổng đàn bò cung cấp sữa cho Công ty bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk là hơn 80.000 con bò, mỗi ngày cung cấp khoảng 550 tấn sữa tươi nguyên liệu. Với kế hoạch phát triển các trang trại mới, Công ty sẽ đưa tổng số đàn bò của Vinamilk từ các trang trại và của các nông hộ lên khoảng 100.000 con vào năm 2017 và khoảng 120.000 - 140.000 con vào năm 2020, với sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi là 1.000 - 1.200 tấn/ngày, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu sữa thuần khiết dồi dào cho hàng triệu gia đình Việt Nam.

Tên     :           Mai Kiều Liên

Sinh năm        :           01/09/1953

Nguyên quán :           Cần Thơ

Trình độ         :           - Kỹ sư Chế biến thịt và sữa - Đại học Moscow State - Nga (1976)

- Chứng chỉ Quản lý kinh tế - Đại học Kỹ sư Kinh tế Leningrad - Nga

- Chứng chỉ Quản lý chính trị - Học viện Chính trị Quốc gia

CHỨC VỤ

Vị trí   Tổ chức          Thời gian bổ nhiệm

Thành viên HĐQT    Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM)  

Tổng Giám đốc         Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM)   12/1992

Công bố thông tin     Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM)   30/7/2012

Chủ tịch         Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam  

Chủ tịch         Công ty TNHH MTV Đầu tư Bất động sản Quốc tế      

Thành viên HĐTV    Công ty TNHH Miraka

QUÁ TRÌNH HỌC TẬP

năm 1976: Đại học Moscow State - Kỹ sư Chế biến thịt và sữa

Đại học Kỹ sư Kinh tế Leningrad - Chứng chỉ Quản lý kinh tế

Học viện Chính trị Quốc gia - Chứng chỉ Quản lý chính trị

THÀNH TÍCH ĐẠT ĐƯỢC

- Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2001)

- Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới (năm 2005)

- Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2006)

- Ba lần được tạp chí Fobes Asia bình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân xuất sắc nhất châu Á (tính tới tháng 3/2012)

- Hai lần được Tạp chí Quản trị doanh nghiệp châu Á bình chọn 1 trong 51 nhà lãnh đạo xuất sắc nhất châu Á, CEO xuất sắc châu Á trong lĩnh vực quan hệ với nhà đầu tư.

QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

- Bà Liên sinh năm 1953. Bà gia nhập Vinamilk ngay từ khi Vinamilk được thành lập năm 1976, khi vừa tốt nghiệp Đại học tại Nga.

- Từ tháng 8/1976 đến tháng 8/1980: Bà là Kỹ sư Công nghệ phụ trách Phân xưởng Sữa đặc có đường tại Nhà máy Sữa Trường Thọ.

- Từ tháng 9/1980 đến tháng 2/1982: Bà là Kỹ sư Công nghệ tại phòng Kỹ thuật, Xí nghiệp Liên hiệp Sữa - Café và Bánh kẹo I.

- Từ tháng 2/1982 đến tháng 6/1983: Bà là Phó Giám đốc Kỹ thuật phụ trách Sản xuất tại Nhà máy Sữa Thống Nhất.

- Sau khi hoàn tất khóa đào tạo tại Đại học Kỹ sư Kinh tế Leningrad tại Liên Bang Xô Viết (nay là nước Nga), năm 1984 Bà được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kinh tế tại Xí nghiệp Liên hiệp Sữa - Café và Bánh kẹo I.

- Tháng 12/1992: Bà được đề bạt vào vị trí Tổng Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam.

- Từ năm 1996 đến năm 2001: Bà là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII.

- 6 Ngày 14/11/2003: Bà được bầu vào HĐQT và giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Công ty qua ba nhiệm kỳ liên tiếp: 2003 - 2007; 2007 - 2011 và 2012 - 2016.


Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus