thegioiceo.com
Online 600 | Đăng nhập
Đầu tư hạ tầng: Chào mời tư nhân - Giải mã PPP
30-06-2010  2556
Tìm vốn đầu tư hạ tầng ngoài ngân sách đã khó, tìm mô hình đầu tư cho hạ tầng lại càng khó hơn. BOT (xây dựng, khai thác và chuyển giao), BT (xây dựng và chuyển giao)... vốn được ưa chuộng, nay đang bị coi là mô hình cũ mà những nhà quản lý Việt Nam thấy cần phải thay thế.

Hợp tác công - tư (PPP) đang được xem như giải pháp hữu hiệu thay thế cho các mô hình cũ. Đây là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư tư nhân nhằm xây dựng công trình, cung cấp dịch vụ với một số tiêu chí riêng. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ lập danh mục dự án ưu tiên đầu tư PPP hằng năm và tiến hành đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đủ năng lực, kinh nghiệm nhất.

Đến thời công - tư

 

Dự thảo quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư vừa được Bộ Kế hoạch Đầu tư trình lên Thủ tướng Chính phủ. Theo bà Vũ Quỳnh Lê, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu (Bộ Kế hoạch Đầu tư), Việt Nam lâu nay đã quen với các mô hình như BOT, BT, BTO...

 

Tính đến nay, đã có khoảng 90 dự án được thực hiện theo các hình thức này với tổng vốn đầu tư khoảng 7,1 tỷ USD, trong đó các dự án về giao thông chiếm 70%. Nhưng bà Lê khẳng định, thời điểm này Việt Nam cần đầu tư theo mô hình PPP hơn, vì theo tính toán, nếu Việt Nam cần tới 160 tỷ USD đầu tư trong 10 năm tới, thì nguồn vốn từ ngân sách chỉ tự đáp ứng được khoảng 5%. Trong khi đó, PPP giúp tăng hiệu quả thu hút vốn đầu tư hơn rất nhiều.

Bà Lê cho biết thêm, vừa qua, qua các kênh xúc tiến đầu tư, được biết có nhiều nhà tài trợ nước ngoài rất quan tâm đến mô hình này tại Việt Nam, ngay cả các trung tâm tài chính quốc tế cũng thích PPP. Nhưng muốn hợp tác theo PPP, cần phải biết yêu cầu cơ bản của một dự án hợp tác.

Theo đó, cơ cấu chuẩn cho một dự án PPP là: vốn nhà nước chiếm 30%, tư nhân chịu 70% còn lại, trong đó 21% thuộc vốn chủ sở hữu đầu tư, 49% còn lại do nhà đầu tư vay thương mại. Dự án PPP thực hiện theo quy trình: cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đề xuất, Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức thẩm định rồi mới trình Thủ tướng. Hiện Bộ Kế hoạch Đầu tư không khuyến khích những dự án do nhà đầu tư đề xuất. Bộ sẽ giữ vai trò thẩm định và lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu.

Thí điểm PPP

Với vai trò một nhà hoạch định, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, nếu vẫn giữ lối đầu tư theo mô hình cũ như BOT, BT, BTO..., thì chắc chắn nhiều dự án sẽ không xong. Cụ thể là có rất nhiều dự án đầu tư theo các mô hình này bị chậm trễ, như một dự án điện mất bốn năm rưỡi mới lấy được giấy phép, hay như dự án tàu điện ở Hà Nội bốn năm rồi vẫn chưa làm.

 

Cầu Sài Gòn - Ảnh Quý Hòa
Ở Việt Nam, vì mới chuẩn bị thí điểm PPP nên cũng chưa khẳng định được xu hướng thích hay không thích. Nhưng riêng với TP.HCM, Bộ sẽ hỗ trợ Thành phố xác định và chọn những dự án nào cần đầu tư kiểu PPP. Ví dụ: nếu chọn một tuyến đường sắt làm PPP thì phải chọn tuyến có lượng hành khách đi nhiều nhất. Những dự án này sẽ phải tính toán rất kỹ, vì nó liên quan đến lợi ích của nhà đầu tư, như mức lời thế nào, hoặc ít lời là bao nhiêu, để phía Nhà nước có thể hỗ trợ bằng tiền, giải phóng mặt bằng hoặc bằng quỹ đất.

 

Ông Đông cho rằng, trường hợp không hay của cầu Phú Mỹ là do hợp đồng chưa chặt chẽ. Nếu dự án này làm theo PPP sẽ giải quyết được tất cả. Một hợp đồng PPP ở Mỹ được soạn thảo rất kỹ, ví dụ chủ đầu tư được thu 5 USD/100km trong vòng 30 năm dựa trên cơ sở 50 ngàn xe/ngày, nếu lượng xe tụt xuống thì phải tăng phí hoặc kéo dài thời gian thu. Còn nếu lượng xe tăng lên thì phải tính lại vì không thể để lợi cho một phía mà hại cho phía kia.

Là một đối tác tư nhân, ông Phạm Hồng Quân, Quỹ đầu tư hạ tầng VinaCapital, cho biết, về hạ tầng giao thông, Quỹ cũng vẫn đang đi tìm hiểu tại TP.HCM, nhưng có điều, hạ tầng giao thông thường là các dự án lớn có mức đầu tư từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu USD và thời gian đầu tư, khai thác lâu, trong khi thời hạn hoạt động cho một quỹ không dài, chừng khoảng 10 năm là phải thoái vốn. Vì vậy, VinaCapital tính toán không vào ngay từ đầu, mà vào giai đoạn giữa hoặc cuối của dự án.

Ở vào một trường hợp khác, ông Đặng Quang Mỹ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng công trình thuộc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng, dự thảo PPP của Bộ Kế hoạch Đầu tư chỉ tập trung vào hạ tầng giao thông, trong khi ở TP.HCM hiện nay nhiều nhà đầu tư có đất muốn hợp tác xây dựng bệnh viện.

Nhưng nếu chỉ xây không thì sau đó công trình chỉ là cái “nhà bệnh viện”, trong khi nhà đầu tư cần đội ngũ bác sĩ. Vì vậy, nhà đầu tư muốn hợp tác với Sở Y tế về nguồn lực này, nhưng trong quy chế ngành hiện không cho bác sĩ đi làm tư. Như vậy, cứ cho là hợp tác PPP về y tế được tiến hành, thì Nhà nước tính thế nào về chất xám của các bác sĩ trong mối hợp tác này?

Liên quan đến trường hợp PPP trong y tế, ông Đặng Huy Đông khẳng định, PPP rất phù hợp với y tế và giáo dục, thậm chí ở Mỹ, người ta còn PPP cả nhà tù nữa, cho phép tư nhân xây nhà tù theo chuẩn mực. Hằng tháng, Chính phủ sẽ trả tiền giam giữ tù nhân cho nhà đầu tư đó.

Hạ tầng khát vốn

Việt Nam khát vốn đầu tư hạ tầng một, thì thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội thiếu vốn mười. Lý do là ngân sách thành phố được phép giữ lại để tái đầu tư quá thấp.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho biết, từ nay đến năm 2020, Việt Nam nếu muốn phát triển ở tốc độ 7 - 8% thì phải đầu tư mạnh vào hạ tầng, trong đó tập trung vào giao thông, điện năng, nước, môi trường... Nhưng để đầu tư đồng bộ, theo tính toán, cần tới 150 tỷ USD. Nếu chỉ trông cậy vào nguồn vốn truyền thống như: vốn ngân sách, phát hành trái phiếu, vay ODA... thì chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 50%. Như vậy, nguồn vốn khổng lồ này sẽ phải trông cậy vào vốn đầu tư tư nhân, ước khoảng 70 - 80 tỷ USD.

Trong khi đó, một thành phố dẫn đầu cả nước về mức đóng góp ngân sách như TP.HCM cũng chẳng dư giả gì về vốn đầu tư. Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM tính toán, với dân số hiện lên tới 9,2 triệu người (gồm cả dân nhập cư), nhu cầu đầu tư hạ tầng của thành phố trong 5 năm tới cần khoảng 300 ngàn tỷ đồng, tương đương 15 tỷ USD.

Như vậy, mỗi năm, TP.HCM sẽ cần tới khoảng 60 ngàn tỷ đồng đầu tư. Tuy nhiên, với lượng ngân sách giữ lại hằng năm như hiện nay (năm 2009 được giữ lại hơn 8.500 tỷ đồng), thì khoản vốn dùng để tái đầu tư này giống như... muối bỏ bể. Trong đó, theo ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải, riêng trả lãi vay các dự án trước đó đã chiếm tới 40% nguồn vốn ngân sách này, tức là thành phố chỉ còn lại khoảng 5.000 tỷ đồng. Đó là bài toán cho TP.HCM trong 5 năm tới. Riêng ông Đặng Huy Đông thì tính bài toán đầu tư dài hơi hơn cho TP.HCM: từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ phải cần đến 40 - 45 tỷ USD, và vốn đầu tư nước ngoài lẫn tư nhân vẫn chiếm khoảng 60%.


 

 


 

MẠNH DƯƠNG - Doanh Nhân Sài Gòn

Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus