thegioiceo.com
Online 97 | Đăng nhập
FPT mua EVNT: Miếng ngon không dễ xơi!
30-12-2010  2713
Bình luận về thông tin FPT mua EVNT, rất nhiều người cho rằng đây sẽ là một sự kết hợp trong mơ, có thể tạo ra một doanh nghiệp viễn thông mới (Ftel?!) đủ sức cạnh tranh với ba 'ông lớn' lâu nay vẫn thống lĩnh ngành viễn thông là Viettel, VinaPhone và MobiFone.
Liệu FPT và EVNT có kết nối được sức mạnh để xoay chuyển được tình hình kinh doanh của EVNT hiện nay?

Theo chuyên gia này thì còn quá sớm để có thể khẳng định, FPT mua EVNT có thể mở đầu cho xu hướng mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông. Thứ nhất, vì việc mua bán này vẫn mới chỉ ở dạng được “bật đèn xanh” chứ chưa có gì cụ thể. Thứ hai, cũng là quan trọng nhất, cho dù FPT có mua lại thành công EVNT cũng chưa thể khẳng định là FPT sẽ thành công trong việc đưa doanh nghiệp này đi tới thành công trên thị trường viễn thông.

Sự kết hợp trong mơ?

Bình luận về thông tin FPT mua EVNT, rất nhiều người cho rằng đây sẽ là một sự kết hợp trong mơ, có thể tạo ra một doanh nghiệp viễn thông mới (Ftel?!) đủ sức cạnh tranh với ba ông lớn Viettel, VinaPhone và MobiFone. Từ trước tới giờ, EVNT vẫn bị coi là “hữu dũng vô mưu” vì cho dù đang có hệ thống hạ tầng cực tốt (được xem là 1 trong 3 doanh nghiệp lớn nhất cả nước trong lĩnh vực hệ thống mạng truyền dẫn), lại đang sở hữu giấy phép 3G (đã triển khai khá mạnh)… tuy nhiên mảng quan trọng nhất là kinh doanh thì lại là điểm yếu chí tử khiến doanh nghiệp này chưa bao giờ được coi là đối thủ xứng tầm của các doanh nghiệp viễn thông. Hơn nữa, những khó khăn của EVN cũng khiến EVNT chịu ảnh hưởng khá nhiều. Ở phía còn lại, sự thành công của cái tên FPT cũng có thể như một bảo chứng cho khả năng kinh doanh của doanh nghiệp này. Chính vì thế, trên lý thuyết, sự kết hợp của 2 doanh nghiệp có thể được coi là sự bổ sung hoàn hảo những điểm mạnh và giải quyết những cái thiếu, cái yếu cho nhau. Có được sự tham gia của FPT, EVNT sẽ tạm thời giải quyết được vấn đề khó khăn về tài chính cũng như khả năng kinh doanh. Qua việc mua cổ phần chi phối tại EVNT, FPT sẽ chính thức có giấy thông hành để tham gia vào thị trường viễn thông không dây.

Trên thực tế, FPT không phải là đối tác được EVN nhắm tới đầu tiên khi có ý định bán cổ phần của EVNT mà là các nhà đầu tư nước ngoài. Theo chủ trương cổ phần hóa ban đầu, EVNT dự kiến sẽ bán tối đa 30% cổ phần ra bên ngoài và tỷ lệ cổ phần tối thiểu bán cho nhà đầu tư nước ngoài là 20%. Nếu được phép, hãng sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài theo giá thỏa thuận, trong đó nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải thỏa mãn các điều kiện như: có kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông, kinh nghiệm trong triển khai mạng 3G... Tuy nhiên, cuối cùng FPT lại là người được lựa chọn. Xét cho cùng, cũng khó có đối tác nào thích hợp với EVNT hơn FPT, một doanh nghiệp trong nước, có đủ tiềm lực cũng như kinh nghiệm kinh doanh tại thị trường Việt Nam với những đặc thù riêng. Nhìn rộng ra, có thể thấy sự thất bại của mô hình doanh nghiệp viễn thông kết hợp với đối tác ngoài dường như đã trở thành một cái “dớp”. Hanoi Telecom và Hutchison vẫn chưa thể đưa Vietnamobile qua giai đoạn khó khăn sau khi chuyển từ công nghệ CDMA qua GSM; S-Fone đang chết dần mòn sau những lủng củng giữa “bố” SPT và “mẹ” SK Telecom… Trong khi đó, những VinaPhone, MobiFone và Viettel, các doanh nghiệp 100% vốn trong nước, lại đang chiếm 3 vị trí chi phối của thị trường. Chính vì thế, chọn lựa FPT có vẻ là một quyết định đúng đắn của EVNT vì như chuyên gia Hoàng Ngọc Diệp đã từng trao đổi với Doanh Nhân khi nói về câu chuyện Sfone “Thị trường viễn thông Việt có đặc thù riêng và chỉ người Việt mới am hiểu để có những lời giải cho bài toán đầu tư hiệu quả nhất”.

Miếng ngon không dễ xơi

Trả lời câu hỏi, liệu sau khi FPT mua EVNT, có thể khiến doanh nghiệp này mạnh lên không? Ông Hoàng Ngọc Diệp nhấn mạnh: Để có thể thành công, FPT cần có được 3 điều kiện. Thứ nhất, FPT phải được trọn quyền quản lý đối với EVNT. Thứ hai, họ phải biết tận dụng công nghệ để tạo sự khác biệt và chiếm các thị phần khác hơn những mạng lớn đang chiếm lĩnh. Thứ ba, doanh nghiệp này phải có đủ nguồn lực tài chính và nhân sự để đối đầu với sự cạnh tranh của các mạng lớn trong một thời gian không ngắn. Cũng theo ông Diệp, tất cả những điều trên chỉ có thể thực hiện được trong trường hợp FPT có được phần lớn hạ tầng viễn thông của EVN chứ không chỉ của EVNT.

 

Sẽ phải là “một cuộc cách mạng” nếu FPT muốn thay đổi hệ thống kinh doanh của EVNT

Trao đổi với Doanh Nhân, một cán bộ của EVNT xác nhận rằng, sẽ phải là “một cuộc cách mạng” nếu FPT muốn thay đổi hệ thống kinh doanh của EVNT. Vì từ trước tới giờ, EVNT kinh doanh với một bộ máy không phải của mình mà hầu như là những cán bộ, nhân viên điện lực được giao chỉ tiêu như một kiểu làm thêm. Bộ máy kinh doanh của EVNT lại phụ thuộc vào quan điểm chỉ đạo của EVN, những người chỉ quen với cách kinh doanh “độc quyền kiểu điện”. “Kể cả khi EVNT có chính sách tốt, nhưng nếu không được lãnh đạo EVN duyệt thì cũng coi như bỏ. Mà vấn đề chính là người của điện lực tham gia kinh doanh, nên hầu như họ chỉ “nghe” theo chỉ đạo của EVN, chứ EVNT không thể điều hành được người của điện lực nên nhiều khi cũng như “múa tay trong bị”. Đây có thể coi là một cách kinh doanh sai lầm trong cả một sai lầm mang tên EVNT của EVN”, vị cán bộ này cho biết.

 

Câu hỏi đặt ra là tại sao FPT lại mua lại cái “sai lầm của EVN” và làm thế nào để FPT có thể biến sai lầm ấy thành thành công? Riêng câu hỏi về cách làm thế nào, ông Diệp nhận định: “Thật ra với những cách tư duy và hoạt động kinh doanh như trong vòng 10 năm qua thì các mạng kiểu Sfone, Hanoi Telecom hay EVNT, chỉ là lãng phí mà thôi. Chỉ cần thay đổi tư duy, thay đổi cách kinh doanh thì họ vẫn có thể sống mạnh và thoải mái, cạnh tranh tốt. Chính vì thế, FPT vẫn có khả năng thành công”. Vấn đề chỉ là, FPT sẽ phải thay đổi dần dần cách kinh doanh, mạng lưới kinh doanh đã có của EVNT hiện tại. Theo thông tin riêng của Doanh Nhân, trong một cuộc gặp giữa FPT và EVN, khá nhiều phương án kinh doanh mới đã được FPT đưa ra, bao gồm cả việc thay đổi mô hình kinh doanh hiện tại. Nhưng quan điểm này đã không nhận được sự đồng tình của lãnh đạo EVN. Vì việc xóa bỏ toàn bộ hệ thống kinh doanh cũ để lập ra một hệ thống mới đòi hỏi quá nhiều thời gian, công sức và cả tài chính. Chính vì thế mô hình tối ưu hiện được tính đến là vẫn giữ nguyên, chỉ thay đổi cung cách vận hành bộ máy theo hướng bố trí nhân viên theo đúng vị trí: cán bộ quản lý, cán bộ marketing, nhân viên bán hàng và trả lương theo sản phẩm. Đối với vận hành BTS thì thuê một công ty vận hành và chỉ cần một nhân viên quản lý công tác vận hành này chứ không gộp chung vận hành trạm BTS và hệ thống điện như hiện nay.

Còn về câu hỏi, tại sao FPT quyết định mua EVNT, ông Diệp cho rằng, đã có khá nhiều phán đoán, tuy nhiên, chỉ có người FPT mới có thể có câu trả lời một cách chính xác nhất. Bởi mặc dù công nghệ CDMA mà EVNT hiện đang dùng có rất nhiều ưu điểm. Nhưng khi cả làng chơi một kiểu (GSM) mà riêng anh một kiểu thì sẽ chỉ có 2 kết quả. Một là sẽ rất thành công, và hai là thất bại hoàn toàn như tấm gương của các mạng CDMA khác.

Thang Duy

Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus