thegioiceo.com
Online 158 | Đăng nhập
Vì sao FPT bất ngờ “thay tướng”?
27-02-2011  2557
Sau phiên họp kéo dài của HĐQT FPT, đến tối ngày 23.2 một thông cáo báo chí (TCBC) về việc bổ nhiệm TGĐ mới được FPT gửi đến báo giới.

Mấy hôm nay, làng CNTT bàn tán về những thông tin đầy bất ngờ từ tập đoàn CNTT tư nhân số 1 VN hiện nay FPT: Ông Nguyễn Thành Nam-TGĐ-bất ngờ từ chức, và ông Trương Đình Anh-Phó TGĐ-được Hội đồng quản trị (HĐQT) bổ nhiệm chức tổng TGĐ trong ngày 23.2.

 

Sau phiên họp kéo dài của HĐQT FPT, đến tối ngày 23.2 một thông cáo báo chí (TCBC) về việc bổ nhiệm TGĐ mới được FPT gửi đến báo giới. Tuy nhiên từ trước đó, dư luận đã xì xào “cái ghế” mà ông Nam vừa rời bỏ sẽ sớm được trao lại cho ông Trương Đình Anh.

Trong TCBC phát đi, FPT giải thích việc “thay tướng” đột ngột: “HĐQT FPT cho rằng sự thay đổi này là thích hợp và có lợi nhất cho những mục tiêu chiến lược trong 15 năm tới, sự phát triển ổn định của tập đoàn và nhất quán với lộ trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo”, và “trong giai đoạn kế tiếp, FPT cần một lãnh đạo mới và ông Trương Đình Anh được đánh giá là người phù hợp nhất với vị trí này”. Tuy nhiên, TCBC ngắn gọn và chung chung đã không giải thích rõ được sự “phù hợp nhất” với chiếc ghế CEO FPT của ông Đình Anh là những gì.

Sự thay đổi này gây chú ý dư luận vì đến thời điểm này, FPT vẫn là DN CNTT ngoài quốc doanh lớn nhất VN tính về doanh số và lợi nhuận. Năm 2010, FPT đạt tổng doanh thu hơn 20.516 tỉ đồng, vượt ngưỡng 1 tỉ USD, và tổng lợi nhuận đạt hơn 2.022 tỉ đồng.

Ông Trương Đình Anh được bổ nhiệm chức Phó TGĐ FPT chưa lâu, đồng thời kiêm luôn chức GĐ FPT TPHCM một thời gian thay ông Hoàng Minh Châu. Trước đó, ông này đã là TGĐ rồi lên làm Chủ tịch HĐQT của Cty FPT Telecom, đơn vị đóng góp lợi nhuận hàng đầu trong tập đoàn. Ông Đình Anh một thời gây sốc với tuyên bố “40 tuổi sẽ làm thủ tướng”.

Tuy nhiên trong điều hành DN, ông còn gây sốc nhiều hơn với quan điểm kinh doanh tất cả vì doanh số và lợi nhuận. Ai kiếm tiền giỏi được ông biệt đãi, người kinh doanh hiệu quả được ông trọng dụng. Nhưng cũng vì quan điểm khắc nghiệt này, không ít người trong những bộ phận chưa kịp làm ra tiền, còn cần nuôi dưỡng phải “rên xiết” dưới cách quản của ông. Và trên thực tế, trong hàng tổng và phó tổng các Cty thành viên, không ít người đã bị ông Đình Anh lạnh lùng “phế vị”.

Nhưng dù ghét hay yêu, không ai có thể phủ nhận khả năng bẩm sinh “nhìn ra tiền” và điều hành kinh doanh hiệu quả của ông. Chỗ nào không hiệu quả là ông “chặt”. Trong chưa đầy một năm chấp chính chức GĐ FPT TPHCM, ông Trương Đình Anh đã tinh giản hàng chục người. có vẻ như, lộ trình thực tế trong việc cơ cấu nhân sự từ FPT đến thời điểm này cho thấy vị trí GĐ FPT TPHCM chỉ là quãng thời gian “học việc” làm tổng, là bước đệm cho bước cao hơn là TGĐ FPT. Và ngay lúc này, nội bộ nhân viên FPT đang đo lường khả năng ông Trương Đình Anh sẽ thanh lọc nhân sự ở cấp độ cao và phạm vi rộng hơn-trên bình diện tập đoàn. 

Ông Trương Đình Anh có tư duy thực dụng cũng như chủ tịch tập đoàn Trương Gia Bình, nhưng theo quan sát thì ít biết dung hòa hơn. Tuy nhiên, ông có tư duy kinh doanh mạnh mẽ, và khả năng cung cấp thông tin rõ ràng, không ngại bộc lộ thẳng tham vọng ngay cả những thông tin được xem là nhạy cảm.

Chỉ có điều đáng lưu tâm là, sau khi ông Đình Anh làm TGĐ FPT, thì ba người của dòng họ Trương đã nắm giữ những vị trí chủ chốt quan trọng nhất của tập đoàn này: Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình, TGĐ Trương Đình Anh và GĐ FPT TPHCM Trương Thị Thanh Thanh.

Gương mặt mới: quyết đoán, chịu áp lực

Qua trao đổi với nhiều nhân vật có cương vị và trách nhiệm đang làm việc tại FPT, nhiều ý kiến cho rằng, áp lực lớn nhất của tổng giám đốc FPT là “tìm mọi cách để thực hiện mục tiêu phát triển mà hội đồng quản trị đã xác lập”.

Một giám đốc cấp cao của FPT (đề nghị không nêu tên) chia sẻ thêm: “Dù mục tiêu trong hai năm tại vị trí tổng giám đốc đã thực hiện được, nếu không muốn nói là hoàn thành xuất sắc nhưng với mục tiêu mới, ông Nam khó làm được. Ông Nam là một người uyên bác, hoà đồng, thương nhân viên nhưng lại thiếu quyết đoán, vả lại cũng đã lớn tuổi rồi...”

Cũng nguồn tin này cho rằng, FPT có văn hoá “cãi nhau” nên giữa ông Nam và ông Bình thường xuyên to tiếng với nhau, nhưng to tiếng vì mục tiêu chung, không hề có chuyện mâu thuẫn để dẫn tới việc ông Nam từ chức như lo ngại của dư luận.

Sau khi tổ “trưng cầu dân ý” của FPT tham khảo ý kiến từ giám đốc bộ phận thuộc cấp độ cao nhất (cấp 6) trở lên, cùng với ý kiến chính thức từ hội đồng quản trị, trong đó có cả ông Nguyễn Thành Nam, ông Trương Đình Anh đã được chọn vào vị trí tổng giám đốc. Ông Anh được đánh giá là người định hướng kinh doanh mạch lạc, rõ ràng, cứng rắn, quyết đoán đến độ cực đoan... Vì những yếu tố đó mà ông Anh đã được hội đồng quản trị FPT lựa chọn vào vị trí tổng giám đốc mới cho dù vị trí này cũng có những ứng viên khác như ông Hoàng Nam Tiến, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần thương mại FPT...

Ông Trương Đình Anh từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng của FPT như phó tổng giám đốc FPT (tháng 7.2009), tổng giám đốc FPT Telecom và hiện là chủ tịch hội đồng quản trị FPT Telecom. Ông Anh làm việc tại FPT từ năm 1993, là người chịu trách nhiệm xây dựng FPT Telecom từ đó cho đến nay. Cách tổ chức, thực hiện của FPT Telecom đã được xã hội ghi nhận là một trong ba doanh nghiệp có tác động lớn đến phát triển internet tại Việt Nam. Theo nguồn thông tin từ FPT, doanh thu năm 2010 của FPT Telecom là 2.450 tỉ đồng, tăng 33% so với năm 2009.

Với cá tính mạnh mẽ, vào năm 1997, ông Trương Đình Anh đã có hai ước mơ lớn: “trở thành tỉ phú năm 35 tuổi và trở thành thủ tướng năm 40 tuổi”. Cũng vào thời điểm đó, ông Anh là một trong mười gương mặt tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam. Đến nay, ước mơ tỉ phú đã thực hiện được, còn ước mơ kia coi như không thành vì hiện nay ông Anh đã 41 tuổi.

Sau khi từ nhiệm chức tổng giám đốc, ông Nguyễn Thành Nam vẫn tham gia hội đồng quản trị, giữ nhiều chức vụ như: chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần thương mại FPT (FPT Trading) và công ty phần mềm cổ phần FPT (FPT Software). Ông Nam tâm sự: “Chúng ta đã mạnh dạn thay đổi hình ảnh thương hiệu, để sẵn sàng tiếp nguồn sinh khí mới. Tôi tự hào đã đóng góp một phần sức mình vào sự thay đổi đó. Nhưng con đường thiên lý nào cũng cần có những đoạn dừng chân, để ngẫm nghĩ và đi tiếp. Bây giờ là lúc như vậy. Bây giờ là lúc FPT cần có những thay đổi quyết liệt trong việc triển khai các dự án công nghệ, cải cách chế độ đãi ngộ và tuân thủ kỷ luật kinh doanh”.

Ông Nguyễn Thành Nam (sinh năm 1961), là thành viên sáng lập FPT. Ông Nam tốt nghiệp khoa toán đại học tổng hợp Lomonosov (Liên bang Nga). Năm 1988, ông Nam được công nhận tiến sĩ cũng tại đại học tổng hợp Lomonosov. Từ năm 1995 đến năm 1999, ông Nam là giám đốc trung tâm giải pháp phần mềm FPT. Ngày 13.1.1999, khi công ty phần mềm FPT (FPT Software) được thành lập, ông Nam giữ chức tổng giám đốc. Ngày 13.4.2009, ông Nam được bổ nhiệm vào chức vụ tổng giám đốc FPT thay thế vị trí của ông Trương Gia Bình.

Theo SGTT,


Bạn hãy click thích trang này trên facebook để cập nhật nhanh thông tin về những bài viết hay và hữu ích.

Thế giới CEO © 2024 PMV Corp, Tel:028.37156156, Tòa Nhà SBI, Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam

Liên kết: Xem quảng cáo | Data Center | Mua Tên Miền | Mua Hosting | Xem Bản Đồ | Lịch khai giảng | TourBalo | Thế giới CEO | Ẩm Thực VIP | Vào học | Ảnh Plus