Cách đây 6 năm, Carly Fiorina đã bị đẩy bật khỏi ghế Tổng giám đốc của HP cũng chỉ bởi người ta cho rằng thương vụ thâu tóm Compaq mà bà lãnh đạo hồi năm 2002 đã mang lại những kết quả không như ý muốn. Khi đó, cả Dell và IBM đều vẫn đang rất vững vàng ở vị trí dẫn đầu thị trường và thường dễ dàng chiếm ưu thế tuyệt đối mỗi khi đối đầu với HP.
"Chỉ 5 năm trước, bạn sẽ chỉ biết nhắc đến Dell với sự ngưỡng mộ còn HP chỉ là một mớ lộn xộn”, Roger Kay, chuyên gia phân tích thị trường của Endpoint Technologies Associates nói.
Nhưng điều đó đã là dĩ vãng bởi sau hàng loạt những vụ thâu tóm, HP giờ đây đã có một sức mạnh khủng khiếp. Ngày nay, Dell đang cố bấm víu vào đoạn dây cuối cùng còn các nhà lãnh đạo của IBM thì vẫn liên tục bi gây sức ép làm thế nào để có thể đuổi được HP. Trong sách SV150 (150 hãng công nghệ mạnh nhất thung lũng Silicon), HP đã không có đối thủ và thậm chí đến cả thập kỷ tới họ vẫn có thể “yên tâm dẫn đầu”.
Tính trong 4 quý vừa qua, doanh thu của HP là 117 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với Apple – hãng công nghệ đứng thứ 2 trong danh sách SV150. Thời gian gần đây, Apple đã có những bước chuyển mình rất mạnh mẽ nhưng họ chỉ chú trọng đến các chương trình sáng tạo sản phẩm mới chứ không tham gia thị trường mua bán – sáp nhập. Nhưng kể cả khi Apple vẫn tiếp tục giữ được đà tăng trưởng này, họ vẫn không thể có hy vọng thu hẹp khoảng cách về mức doanh thu với HP. Các nhà lãnh đạo của HP hiểu rằng trong cuộc đua này chỉ có Cisco Systems hoặc Oracle là có thể gây bất ngờ cho họ bằng những vụ thâu tóm khổng lồ. Chưa hết, Google cũng đang cho thấy họ “điên cuồng” thế nào trên thị trường M&A với tuyên bố “mỗi tháng một vụ thâu tóm”.
Bắt đầu từ vụ thâu tóm Agilent Technologies hồi năm 1999, cho đến nay HP đã bỏ ra khoảng 45 tỷ USD cho các thương vụ khác mà mới đây nhất là vụ mua lại 3Com với giá 3,1 tỷ USD. Nhưng HP chưa dừng lại, trong báo cáo gửi đến các khách hàng của mình hồi tuần trước Brenon Daly, nhà phân tích của The 451 Group cho biết: "Một số nguồn tin đáng tin cậy cho biết, HP đang chuẩn bị hoàn thành một số thương vụ nữa trong năm nay và họ sẽ trở nên khổng lồ hơn nữa”.
Một thông tin không hề vui vẻ với những đối thủ của HP.
Để dễ hình dung hơn về sự nhảy vọt của HP trong những năm vừa qua, hãy làm một số sự so sánh ở thời điểm HP bắt đầu “nghiện mua sắm” cho đến nay.
- Năm 2001, HP có 86.200 nhân viên. Năm 2009 hãng đã có 304.000 người.
- Thị trường vốn tăng từ 32 tỷ USD (năm 2001) lên 126,1 tỷ USD (năm 2009).
- Thu nhập trên mỗi cổ phiếu từ 89 xu (2001) lên 3,88 USD (2009).
- Giá cổ phiếu của HP từ mức 23,21 USD (ngày 31/8/2001, một ngày trước khi vụ thâu tóm Compaq được công bố) đã tăng lên mức 54,23 USD, tăng 134% trong khi mức tăng trung bình của chỉ số Dow Jones chỉ là 12%.
- Năm 2001, HP thu về 2,5 tỷ USD tiền mặt, đến năm ngoái, hãng đã có 13,4 tỷ USD.
Nhưng không phải mọi bước đi của HP đều là hoàn hảo. Kể từ năm 2001 đến nay hãng đã phát hành thêm “hàng tấn” cổ phiếu và đẩy giá trị cổ đông xuống. Năm 2002, HP có khoảng 1,9 tỷ cổ phiếu nhưng ngày nay họ đã có khoảng 2,4 tỷ cổ phiếu. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao mới đây HP tuyên bố bỏ ra khoảng 12 tỷ USD để mua lại một phần cổ phiếu của hãng nhằm ngăn chặn đà giảm giá trị.
Cái giá phải trả cho sự tăng trưởng nóng và cùng với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến HP phải chi ra khoảng 5,5 tỷ USD để cắt giảm khoảng 75.500 việc làm – con số khiến nhiều người tưởng như HP sắp đổ vỡ hoặc phá sản đến nơi.
Có thể nói, chặng đường mà HP đã đi trong suốt 9 năm qua chính là con đường mà Carly Fiorina đã vạch ra và được ông Tổng giám đốc Mark Hurd tiếp nối: Mua thật nhiều, tuyển dụng thật nhiều và đè bẹp các đối thủ.
Lương Hương - Theo Mercury News